Hệ lụy khôn lường từ khai thác khoáng sản
( 13/11/2017 - 9:31 )Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản đang trở thành định hướng chiến lược trong ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, với nhiều “lỗ hổng” như hiện nay, việc khai thác khoáng sản chưa thể hiệu quả, minh bạch.
CôngThương -Nhiều bất cập trong quy hoạch
Từ 1/7/2011 đến ngày 31/12/2012, 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 957 giấy phép gồm: 275 giấy phép thăm dò khoáng sản, 682 giấy phép khai thác khoáng sản. Hơn một nửa số giấy phép này được cấp không đúng quy định.
Thêm nữa, chỉ số quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 43 trong tổng số 58 quốc gia được khảo sát, là quốc gia kém nhất trong nhóm quốc gia yếu kém (theo đánh giá của Viện giám sát nguồn thu Mỹ). Thực tế này đã chỉ rõ những bất cập trong công tác lập quy hoạch, cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến: “Khai thác tài nguyên khoáng sản: Minh bạch và hiệu quả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (3/12), ông Nguyễn Mạnh Quân – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ số nêu trên là thực tế. Nguyên nhân truớc hết do quy hoạch điều tra cơ bản về địa chất (Bộ Tài nguyên-Môi trường thực hiện) không đủ kinh phí. Cụ thể: Ngân sách cấp 180 tỷ/năm, chỉ đáp ứng 40%. Vì vậy, công tác thăm dò dựa trên điều tra cơ bản khó hoàn thành. Ngoài ra, tiến độ lập quy hoạch có những điểm hạn chế do quy hoạch khoáng sản phức tạp. Thậm chí, quy hoạch còn chồng lấn giữa trung ương và địa phương, nhiều dự án trung ương chưa phê duyệt thì địa phương đã phê duyệt; thăm dò khai thác chưa gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường.
Với chức năng của mình, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phê duyệt 14 quy hoạch bao gồm 38 loại khoáng sản. Nội dung của quy hoạch gồm: Mục tiêu, quan điểm, giải pháp, cơ chế chính sách, danh mục tài nguyên khoáng sản. Trên cơ sở danh mục đó, Bộ cấp phép phê duyệt các loại tài nguyên khoáng sản được phép khai thác.
Trước ý kiến cho rằng, nhiều địa phương chia nhỏ mỏ khoáng sản để cấp phép, ông Nguyễn Linh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường khẳng định, không còn tình trạng này nhờ Luật Khoáng sản 2010 đã có hiệu lực. Ông Ngọc ví dụ: Có địa phương khi phát hiện ra mỏ đã đề xuất điều tra nhưng trung ương không có kinh phí. Địa phương dự định chuyển cho doanh nghiệp làm. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ điều tra 1, 2 ha. Do đó, Bộ không phê duyệt, tránh hiện tượng chia nhỏ mỏ.
Về số giấy phép cấp không đúng quy định nêu trên, theo ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên nhân đầu tiên do luật không đầy đủ. Thứ hai, sự nôn nóng của địa phương dẫn đến cấp phép tràn lan. Nhận thức được điều này, Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền đồng thời nâng cao năng lực quản lý.
Khai thác tận thu, thiếu trách nhiệm
Việc cấp giấy phép khai thác ồ ạt dẫn đến tồn kho lớn, ông Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, theo trình tự quy định thì việc cấp giấy phép khai thác căn cứ vào quy hoạch. Nếu việc cấp giấy phép khiến cung vượt cầu thì do quy hoạch.
Nguyên nhân khách quan: Khủng hoảng kinh tế khiến khoáng sản khó tiêu thụ. Thêm nữa, dù rất muốn có được công nghệ để chế biến sâu nhưng doanh nghiệp nước ngoài không chuyển giao, hoặc nếu chuyển giao thì họ đòi hỏi điều kiện liên doanh, liên kết cùng khai thác. Do đó, tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản chậm, khoáng sản thô tồn kho lớn.
Dù có khó khăn trong tiêu thụ nhưng ông Nguyễn Mạnh Quân khẳng định: Bộ Công Thương không cấp phép xuất khẩu khoáng sản thô. Vừa qua, Chính phủ chấp thuận xuất khẩu quặng sắt là giải pháp tình thế, nhưng chỉ xuất hàng tồn kho. Thậm chí, đối với một số khoáng sản, chế biến sâu chưa chắc giá trị đã cao hơn bởi công nghệ lạc hậu khiến sản phẩm chế biến càng làm càng lỗ.
Trong hơn 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản do địa phương cấp phép thì đến hơn 70% giấy phép thời hạn dưới 5 năm. Điều này khiến doanh nghiệp khai thác mang tính chất tận thu, không có trách nhiệm với nhà nước, môi trường.
Ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, doanh nghiệp không chấp hành nộp các khoản thu cho nhà nước có lỗi từ 2 phía. Thứ nhất do ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp. Thứ hai, nhà nước chưa có chế tài nghiêm minh mang tính chất răn đe. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế đồng bộ để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình. “Nếu như trước đây, thuế tài nguyên và phí môi trường thấp thì nay rất lớn. Trong khi, khoáng sản càng khai thác xuống sâu càng khó khăn, nhiều doanh nghiệp họ không còn kinh phí để nộp” ông Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.
Điều đáng quan tâm là Chỉ thị 02 của Bộ Chính trị và Luật Khoáng sản quy định việc đầu tư khoa học – công nghệ để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 0,01% tổng doanh thu của doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dành do đầu tư đổi mới công nghệ. Điều này phản ánh thực trạng khoáng sản chủ yếu sản xuất dưới dạng nguyên liệu thô, lấy số lượng “đè” chất lượng.