Trong nắng lửa Bản Cô
( 15/11/2017 - 1:58 )Mỏ thiếc Bản Cô thuộc Xí nghiệp thiếc Châu Thành là một trong hai đơn vị khai thác thiếc chủ lực của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh hiện nay. Đến được Bản Cô, từ văn phòng Công ty ở thị trấn Quỳ Hợp, chúng tôi phải đi 24 km trên chiếc xe U oát. Đường vào Bản Cô nay đã được sửa chữa nâng cấp nhưng sau những trận mưa lớn, nhiều chỗ bị sạt lở, xe xóc kinh người.
Một khối đất chỉ thu về 500 gam thiếc
Chúng tôi lên khai trường giữa trưa nắng dữ dội. Đường tới khai trường bị lũ cuốn, vừa làm lại, xe quần vênh sống trâu. Khu máng ga, khu tuyển quặng máy chạy rào rào. Kia là công trường khai thác. Việc khai thác ở đây thật đơn giản, máy xúc chỉ cần ngoạm đất, xúc đổ lên ô tô, không cần phải cắt tầng, không phải khoan nổ mìn như khai thác than lộ thiên.
Đường lên khu máng ga, xe U oát không lên được, tôi phải đi bộ để ghi lại hình ảnh khai thác quặng bằng súng bắn nước. Mới thấy, để khai thác, chế biến được một cân thiếc, phải tốn nhiều thời gian và công sức với nhiều công đoạn. Đầu tiên, người ta xúc đất lên ô tô (quặng nguyên khai), đổ lên máng ga. Từ máng ga, dùng súng bắn nước bắn vào đống đất, làm đất vỡ ra, qua boong ke, tách đá to, bùn đất và đất cát chứa quặng. Đất cát chứa quặng được bơm lên trạm phân cấp ruột xoắn để khử bùn. Phần còn lại được gọi là quặng thô, hàm lượng khoảng 15 – 20%. Từ quặng thô, người ta đưa tới xưởng tuyển thành tinh quặng. Từ tinh quặng, qua xưởng luyện, mới thành thiếc.
Ông Trần Quốc Lệ, Giám đốc Xí Nghiệp thiếc Châu Thành cho biết, năm nay, Xí nghiệp ông, gồm 65 người, phấn đấu khai thác, tuyển rửa 144 nghìn m3 đất chứa quặng. Tuyển rửa ngần ấy đất, qua các công đoạn khác chỉ thu về khoảng 80 tấn thiếc. Theo tài liệu địa chất, mỗi m3 đất ở đây chứa 680 gam thiếc, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 500 gam/m3.
Đất chứa quặng nghèo như vậy nhưng để có đất mà khai thác là cả vấn đề đang nóng bỏng cả Công ty.
Gặp già làng trên khai trường
Tôi đang quan sát chọn cảnh để ghi tiếp không khí sản xuất ở khai trường, chợt, đằng kia, một cụ ông xắn quần, chống gậy, đi về phía chúng tôi. Hình ảnh ông cụ chống gậy thập thững trong nắng lửa chẳng ăn nhập với không khí sản xuất công nghiệp dồn dập ở khai trường. Cụ là ai? Từ đâu đến? Có việc gì mà cụ cất công ra tận khai trường? Chúng tôi chào cụ. Cụ đáp lại rồi bắt tay anh Hành (Phó Giám đốc Công ty) giọng thân mật:
– Anh Hành có khỏe không?
Anh Hành kính cẩn:
– Cảm ơn cố (người miền Trung thường gọi cụ già là cố – TG) con khỏe ạ. Cố đi mô giữa trưa nắng ra ri?
Cụ ông thả gậy xuống đường vặn lưng:
– Tui có việc ở tê (kia). Mấy bữa rồi mưa lụt, ngại đi quành. Bữa ni có đường, tui đi tắt qua cho đỡ nhọc. Nắng quá hầy!
Thì ra là cụ đi tắt qua khai trường cho gần. Anh Trần Quốc Lệ, nói:
– Mỏ Bản Cô nằm giữa thung lũng, bốn bề là núi. Nơi đây có ba con suối chính là suối Bản Cô, suối Mai và suối Bắc. Các con suối này là đầu nguồn sông Con. Trận lũ vừa rồi, Mỏ Bản Cô bị lũ cô lập trong nước; hệ thống đường mỏ bị lũ tàn phá. Do chủ động phòng chống mưa bão nên nhà xưởng, thiết bị sản xuất của Công ty đảm bảo an toàn. Sau mưa lũ, Công ty đã huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai. Hôm nay, Mỏ thiếc Bản Cô mới trở lại hoạt động.
Cụ ông vẫn bịn rịn, nói chuyện với anh Hành. Tôi nghe bập bõm hình như cụ và anh Hành đang nói về đền bù giải phóng mặt bằng thì phải. Qua anh Hành, tôi được biết, cụ tên là Lang Văn Quyết, dân tộc Thái, ở bản Hịa, xã Châu Thành . Cụ Quyết là Già làng, rất tích cực vận động đồng bào ủng hộ Công ty trong việc giải phóng mặt bằng. 90 tuổi rồi nhưng cuộc họp nào với dân cụ cũng tham gia. Cụ phân tích với bà con về những lợi ích do Công ty mang lại, rằng, khi công nghiệp về, kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển, dân trí được mở mang, con em được vào Công ty làm việc. Gia đình cụ có 4 người con. Ban đầu, các con cụ không nhất trí với phương án đền bù. Nhưng cụ đã phân tích thiệt hơn, các con cụ đã nghe ra. Gia đình cụ là một trong những gia đình đi đầu thực hiện phương án đền bù của Công ty.
-Khó khăn nhất, tình hình nóng bỏng nhất của Công ty hiện nay là công tác đền bù giải phóng mặt bằng để mở rộng sản xuất – anh Hành nói. Trước đây Công ty có 3 xí nghiệp khai thác thiếc là Suối Bắc, Châu Hồng và Châu Thành. Tháng 4 vừa rồi, Xí nghiệp thiếc Châu Hồng phải ngừng sản xuất vì hết đất. Xí nghiệp thiếc Suối Bắc, khai thác quặng gốc bằng hầm lò thì bị các đơn vị tư nhân “moi ruột” (hình thức ăn cắp tài nguyên trong lòng đất). Xí nghiệp thiếc Châu Thành, nơi ta đang đứng đây thì quặng nghèo, bị lũ lụt tàn phá và nguồn tài nguyên cũng cạn kiệt, cần phải đền bù cho dân để mở rộng sản xuất. Hiện Công ty đang triển khai phương án đền bù, mở rộng sản xuất ở Châu Hồng và Châu Thành nhưng đang gặp khó khăn vì chưa thỏa thuận được với dân về giá thuê đất. Công ty đang phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác này.
Nói đoạn, anh Hành chìa ra cho tôi một tệp thiếp mời:
– Thiếp mời cưới của một gia đình trong bản đấy. Họ cưới vợ cho con, mời cả anh Duệ (Giám đốc Công ty), anh Quỳnh (Phó Giám đốc) và bao nhiêu là người trong Công ty nữa này. Lâu nay, mối quan hệ giữa Công ty và địa phương mật thiết lắm. Tôi tin, khó khăn hiện nay của Công ty sẽ được địa phương đồng tình ủng hộ.
Nguồn : (Vinacomin.vn)