Tổng công ty Khoáng sản – TKV Nguồn tài nguyên cho sự phát triển
( 13/11/2017 - 23:48 )Mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước sẽ nhanh chóng đạt được nếu đất nước ta khai thác hiệu quả nguồn khoáng sản quý giá nằm sâu trong lòng đất. Thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác nguồn tài nguyên của đất nước trải dài từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai đến nghệ An, Hà Tĩnh, Tổng Công ty (TCT) Khoáng sản – TKV (VIMICO) đã và đang khẳng định vị trí hàng đầu của ngành khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam, cung cấp nguồn năng lượng cho sự phát triển.
21 năm – một chặng đường bền bỉ
Sau 10 năm đổi mới (từ 1986), thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ thành lập các TCT để thúc đẩy quá trình tập trung hóa sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, chuẩn bị cho hội nhập quốc tế, ngày 27/10/1995 Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) đã quyết định thành lập TCT Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 2 TCT Khoáng sản quý hiếm và TCT Phát triển khoáng sản (đã được thành lập năm 1990), mở ra chặng đường 21 năm xây dựng thành công thương hiệu TCT Khoáng sản – TKV. Đến tháng 6/2010, Bộ Công Thương có quyết định chuyển Công ty mẹ TCT Khoáng sản – TKV sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên và có tên là TCT Khoáng sản – Vinacomin (VIMICO). Ngày 6/10/2015 Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần và có tên mới là Tổng công ty khoáng sản TKV – Công ty cổ phần (Vimico) Tên rút gọn là Tổng công ty Khoáng sản – TKV. Đến nay TCT có 4 đơn vị trực thuộc, 14 công ty con, 4 đơn vị liên kết và đầu tư tài chính dài hạn, sử dụng lao động gần 5.300 người.
VIMICO có các ngành nghề như điều tra khảo sát, thăm dò địa chất, khai thác, chế biến (tuyển, luyện) và kinh doanh tiêu thụ các loại khoáng sản như: kim loại mầu (thiếc, chì, kẽm, đồng); kim loại đen (sắt, mangan, crom, titan); kim loại quý hiếm (vàng, bạc, đá quý, đá bán quý, đất hiếm); phi kim (cao lanh, fenspat); vật liệu xây dựng; chế tác sản xuất hàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh dịch vụ khách sạn, văn phòng cho thuê, dịch vụ vận tải, dịch vụ lữ hành nội địa quốc tế…
Từ khi trở thành đơn vị thành viên trong TKV và hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, công tác quản lý sản xuất kinh doanh của VIMICO ngày càng được hoàn thiện hơn. Doanh thu hàng năm tăng trưởng đều đặn, sản phẩm được cung cấp và sử dụng cho rất nhiều khách hàng, doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước.
Đặc biệt, từ năm 2012 trở lại đây, do tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động; nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát, sức mua giảm, giá cả đầu vào nhiều loại tăng; thị trường tiêu thụ khoáng sản gặp nhiều khó khăn, giá bán các sản phẩm chính của TCT đã sụt giảm. Tuy vậy, với truyền thống đoàn kết, kỷ luật đồng tâm, VIMICO đã quyết liệt triển khai nhiều chương trình, giải pháp lớn như: Tập trung thực hiện Đề án đổi mới tái cơ cấu của Tổng công ty giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn 2020; hoàn thiện nâng cao hiệu quả các công tác quản lý kỹ thuật, quản trị chi phí, hệ thống quản lý nội bộ; đẩy mạnh công tác phát triển tài nguyên; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường quản lý kinh tế- kỹ thuật tại các dự án đã đưa vào hoạt động để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
Kết quả, các nhà máy đều đạt và vượt công suất thiết kế như Nhà máy Luyện đồng (Công ty Luyện đồng Lào Cai), Nhà máy tuyển (Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai), Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (Công ty CP Kim loại mầu Thái Nguyên)… Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật TCT ngày càng được củng cố và phát triển, cơ bản đã làm chủ được kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến. Doanh thu toàn tổng công ty đã tăng từ 252 tỷ đồng năm 1996 lên 3.425 tỷ đồng năm 2015, trong đó, doanh thu khoáng sản tăng trên 10 lần so với thời kỳ đầu mới thành lập. Từ năm 1996 – 2005, tổng lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty là 20 tỷ đồng, từ 2006 đến nay là 1.907 tỷ đồng, tăng 95 lần so với giai đoạn 1996-2005. Vốn chủ sở hữu tăng từ 120 tỷ đồng năm 1995 lên 2000 tỷ đồng năm 2015. Số tiền nộp ngân sách địa phương tăng mạnh qua các năm. Nếu như năm 1996, nộp ngân sách nhà nước là 14,6 tỷ đồng thì đến năm 2014, số tiền nộp ngân sách đã ở mức trên 660 tỷ đồng, tăng 41 lần so với khi mới thành lập.
Không những chú trọng sản xuất kinh doanh, từ năm 2010 đến nay, TCT đã dành trên 30 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh – xã hội tại các địa phương, chi trên 72 tỷ đồng triển khai các dự án bảo đảm môi trường sản xuất.
Giữ vững ngọn cờ đầu
Vượt lên gian khó, chứng minh bản lĩnh một doanh nghiệp trong ngành Than – Khoáng sản giàu truyền thống, hiện nay, VIMICO đang tích cực triển khai đầu tư các dự án trọng điểm như Dự án Khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ – tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai, Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai lên 3 vạn tấn/năm, Dự án khai thác – chế biến đất hiếm Lai Châu…
Bằng việc nghiêm túc đầu tư công nghệ cho sản xuất, đến nay, các dây chuyền công nghệ khai thác, tuyển khoáng, luyện kim quặng đồng, thiếc, kẽm, tinh quặng sắt… của TCT hoạt động tương đối ổn định, đảm bảo các chỉ tiêu công nghệ, hoàn thành kế hoạch đề ra. Nhiều sản phẩm như tinh quặng đồng, đồng tấm, kẽm thỏi, gang đúc, thép thỏi… đạt chất lượng cao, được khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Đúc đồng tấm tại Chi nhánh Công ty Luyện đồng Lào Cai
Về thực hiện nhiệm vụ SXKD 9 tháng đầu năm nay, so với kế hoạch đầu năm và thực hiện 2015 thì giá bán hầu hết các sản phẩm chính như đồng tấm, tinh quặng sắt, axít sunfuric của TCT đều giảm so với giá kế hoạch và bình quân năm trước. Tuy nhiên, một số sản phẩm khác lại có giá bán tăng so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước như kẽm thỏi, thiếc thỏi, vàng, bạc. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm, doanh thu toàn TCT đã đạt 2.844 tỷ đồng, bằng 67,66% kế hoạch năm và bằng 111,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, doanh thu khoáng sản là 2.468 tỷ đồng, doanh thu khác là 375 tỷ đồng. Tiền lương bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 87,63% kế hoạch năm và bằng 109% so với cùng kỳ năm 2015. Nộp ngân sách ước đạt 425 tỷ đồng.
Phát huy tối đa hiệu quả sản xuất kinh doanh, những tháng cuối năm và thời gian tới, VIMICO sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chính và có lợi thế như: đồng, kẽm, phôi thép, thiếc, vàng… Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật cơ bản, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường… với mục tiêu cao nhất là cung cấp ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, giá cạnh tranh, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than, VIMICO đang triển khai nhiều phong trào như thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc; Đảm bảo tiến độ, chất lượng các hạng mục công trình; Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; hưởng ứng, thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”… nhằm đạt được những thành tích lớn, góp phần làm dày thêm thành tích ngành than.
Ghi nhận những nỗ lực của VIMICO, các công ty con, đơn vị thành viên, tổng công ty đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua xuất sắc… và các phần thưởng cao quý khác.
Kim Chi
Nguồn : Baocongthuong.com.vn