Cách mạng Tháng Tám 1945 – Bước ngoặt lịch sử và bài học giành chính quyền về tay nhân dân
( 14/11/2017 - 2:05 )70 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, ngày nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khôn khéo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp, linh hoạt.
Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945. Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc ta và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công khẳng định sự vận dụng tài tình nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng ta. Thời điểm này, phong trào cách mạng nước ta đã lên tới cao trào, quần chúng cách mạng, mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng hành động với một khí thế chưa từng có. Lực lượng cách mạng đã lôi kéo được các tầng lớp trung gian, trước đó còn lừng chừng, ngả hẳn về phía cách mạng. Đảng Cộng sản Đông Dương có kế hoạch cử cán bộ chủ chốt về các địa phương lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Đó là lúc quân Anh chưa vào miền Nam và quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật, cũng là lúc quân Nhật bại trận, mất tinh thần, ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí, ngụy quyền tay sai bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Nhờ vậy, sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước một cách nhanh, gọn, ít đổ máu và thành công triệt để.
Đảng ta đã sử dụng phương thức quân sự, chính trị phối hợp, đồng thời với đòn tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng và sự nổi dậy của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó, lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, tiến hành mít tinh, biểu tình, thị uy, bao vây các công sở, gây sức ép, kêu gọi địch đầu hàng, tuyên truyền thanh thế của cách mạng, thị uy biểu dương lực lượng. lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn cho lực lượng chính trị nổi dậy và giải quyết các tình thế đột xuất: Diệt ác ôn trừ gian, bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân.
Việc chọn địa bàn Tổng khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị với tinh thần đồng loạt nổi dậy. Khi nhận được “Quân lệnh số 1”, cả nước đều nhất loạt khởi nghĩa, làm cho quân Nhật không kịp trở tay, không còn khả năng giải tỏa, ứng cứu chi viện cho nhau. Mục tiêu khởi nghĩa được chọn là các cơ quan đầu não, các công sở chính quyền địch, như ở Hà Nội là Tòa Khâm sai, Phủ Toàn quyền và các cơ quan đầu não ở các tỉnh, thành phố… Việc lựa chọn mục tiêu chính xác góp phần thúc đẩy Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng trên cả nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, là tài sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng bài học của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta cần tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khơi dậy lòng tự tin dân tộc…, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Tác giả bài viết: Lược ghi theo Thượng tướng, Viện sĩ, TS KHQS. NGUYỄN HUY HIỆU (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)
Nguồn : Vinacomin.vn