Hành trình về “miền đất võ” và xứ “hoa vàng cỏ xanh”
( 08/04/2025 - 15:24 )Nhân dịp kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Tổng công ty Khoáng sản – TKV đã tổ chức chuyến tham quan, tìm hiểu văn hóa – lịch sử tại 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Về nguồn cội “Anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ
Đến thăm Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) – nơi tôn vinh vị Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và phong trào khởi nghĩa Tây Sơn lừng lẫy. Tại đây, đoàn đã được nghe thuyết minh về các giai đoạn lịch sử hào hùng, và chiêm ngưỡng những hiện vật quý báu.
Khởi nghĩa Tây Sơn là một trong những cuộc cách mạng nông dân tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam, diễn ra vào cuối thế kỷ XVIII. Cuộc khởi nghĩa do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo, bùng nổ từ vùng Tây Sơn (nay thuộc tỉnh Bình Định), nhanh chóng phát triển thành một phong trào rộng lớn, lật đổ các thế lực phong kiến thối nát, thống nhất đất nước và đánh bại ngoại xâm, mở ra một thời kỳ lịch sử rực rỡ và hào hùng.
Đỉnh cao oanh liệt nhất của phong trào chính là chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào đầu năm 1789. Trước nguy cơ mất nước, Nguyễn Huệ – khi ấy đã lên ngôi Hoàng đế Quang Trung – quyết định thân chinh ra Bắc. Ông hành quân thần tốc, chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, đã vượt hàng ngàn cây số từ Phú Xuân ra Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh, khiến tướng giặc là Sầm Nghi Đống thua trận, phải treo cổ tự vẫn tại gò Đống Đa. Chiến thắng vang dội ấy không chỉ giải phóng Thăng Long, đập tan âm mưu xâm lược của nhà Thanh, mà còn thể hiện tài năng quân sự kiệt xuất và tầm nhìn chiến lược của Quang Trung.
Đặc biệt, đoàn còn được thưởng thức chương trình biểu diễn võ cổ truyền Bình Định để lại nhiều cảm xúc. Những thế võ dũng mãnh, hào sảng hòa cùng tiếng trống trận như tái hiện không khí chiến đấu oai hùng thuở xưa của quân Tây Sơn.
Khám phá Quy Nhơn – Thiên nhiên và thi ca
Tiếp đến, đoàn tới Tháp Đôi (còn gọi là tháp Hưng Thạnh) – Biểu tượng nghệ thuật Chăm giữa lòng thành phố biển Quy Nhơn. Tháp nổi bật như một dấu ấn kỳ bí của một nền văn hóa đã từng hưng thịnh nơi miền Trung duyên hải.
Cụm di tích gồm hai tòa tháp đứng song song, có quy mô tương đối lớn so với các tháp Chăm khác trong khu vực. Một tháp cao khoảng 20 mét, tháp còn lại thấp hơn, cả hai đều được xây dựng bằng gạch nung đỏ truyền thống – vật liệu phổ biến trong kiến trúc Chăm nhưng đến nay vẫn là bí ẩn về kỹ thuật kết dính.
Không chỉ là một công trình kiến trúc, Tháp Đôi còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, nghệ thuật và tâm linh thiêng liêng, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Giữa nhịp sống hiện đại, công trình cổ kính này như một chứng nhân thầm lặng, kể lại câu chuyện về một thời kỳ vàng son của vương quốc Chăm Pa trên dải đất miền Trung nắng gió.
Tiếp nối hành trình, đoàn đến với một số danh lam thắng cảnh của thành phố biển Quy Nhơn – nơi có sự giao thoa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ họ Hàn.
Tại Kỳ Co – nơi được ví như thiên đường Maldives (thiên đường du lịch thế giới) của Việt Nam với làn nước trong xanh và bãi cát trắng mịn. Trên đường đi, đoàn chinh phục Eo Gió, nơi biển trời giao thoa với những vách đá uốn cong kỳ vĩ. Tại đây, khung cảnh nên thơ cùng không khí trong lành khiến mọi người say mê chụp ảnh và tận hưởng từng khoảnh khắc những làn sóng biển tung bọt trắng xoá vào vách đá dưới nắng chói trang của miền Nam Trung Bộ.
Đến viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân, Ghềnh Ráng. Trong không gian yên tĩnh, đầy thơ mộng trên đỉnh dốc Mộng Cầm, mọi người lặng lòng trước cuộc đời ngắn ngủi nhưng tài hoa và lãng mạn của người thi sĩ từng để lại dấu ấn sâu sắc trong thi ca Việt Nam.
Đoàn cũng được chiêm ngưỡng những cánh đồng điện gió và điện mặt trời – biểu tượng của năng lượng tái tạo hiện đại. Giữa thiên nhiên hoang sơ, hình ảnh những trụ tuabin khổng lồ quay nhè nhẹ trong gió gợi lên cảm giác yên bình và niềm tự hào về bước chuyển mình xanh – sạch – bền vững của đất nước.
Về xứ “hoa vàng cỏ xanh” Phú Yên
Rời Quy Nhơn, đoàn tiếp tục hành trình đến Phú Yên, quê hương của hoa vàng – cỏ xanh và những bãi biển nguyên sơ. Tại đây, đoàn ghé Gành Đá Đĩa – di tích quốc gia đặc biệt, nổi bật với hàng ngàn cột đá bazan xếp chồng lên nhau một cách kỳ diệu. Khung cảnh nơi đây khiến ai cũng không khỏi trầm trồ, thán phục trước kỳ quan thiên nhiên có một không hai.
Một điểm nhấn đáng nhớ trong chuyến đi đó là bữa tiệc hải sản tại đầm Ô Loan. Với các món đặc sản như sò huyết nướng, cá nướng, mực hấp gừng, đoàn đã có dịp thưởng thức hương vị đặc trưng đậm chất biển khơi, mang lại cảm giác ấm áp và gần gũi với ngư dân miền duyên hải Phú Yên.
Hành trình lưu lại yêu thương
Chuyến hành trình khám phá miền duyên hảo Nam Trung bộ Bình Định và Phú Yên là một trong những hoạt động thường niên có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cán bộ, công nhân viên, đồng thời tạo điều kiện để tập thể được thư giãn và tái tạo năng lượng sau thời gian làm việc hăng say.
Chuyến tham quan không chỉ là một kỳ nghỉ đáng nhớ, mà còn là cơ hội để tập thể Tổng công ty Khoáng sản – TKV thêm thấu hiểu, sẻ chia và gắn kết các thành viên. Mỗi địa điểm đến là một dấu ấn văn hóa – lịch sử, mỗi trải nghiệm là một niềm cảm hứng mới trong công việc và cuộc sống.
Hành trình kết thúc, nhưng dư âm còn mãi. Tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty trở về với tinh thần phấn chấn, sẵn sàng tiếp tục cống hiến hết mình cho sự phát triển bền vững của đơn vị, thi đua lập thành tích chào mừng 30 năm ngày thành lập Tổng công ty (27/10/1995 – 27/10/2025) và hướng đến những mục tiêu mới trong những năm tiếp theo.
Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến đi
Lưu Ký