Tầm cao thợ mỏ và chiều sâu nguồn than – Phần II: Cuộc tổng đình công vĩ đại
( 23/11/2017 - 0:04 )Sau Cách mạng tháng Mười Nga cùng sự hình thành Quốc tế Cộng sản và sự ra đời của tổ chức Đảng, Công đoàn ở vùng Than đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần đấu tranh đòi quyền lợi trong lực lượng thợ mỏ.
Hàng năm, vào ngày 12/11, lãnh đạo và các cán bộ ngành Than đều đến dâng hoa tại Tượng đài kỷ niệm cuộc Tổng đình công vĩ đại
Ngày 7/11/1927, người cộng sản trẻ tuổi Ngô Huy Tăng đã treo lá cờ đỏ búa liềm trên cầu Pooctic số 4 Cửa Ông, công khai kỷ niệm 10 năm Cách mạng tháng Mười Nga, khiến tư bản bản Pháp phải giật mình hoảng sợ. Mật thám Sở Mỏ điên cuồng lùng sục, bắt bớ, đàn áp mọi cuộc tụ họp. Chúng tung tiền mua chuộc, đào tạo một số phu làm nội gián, chỉ điểm, phân hóa đội ngũ thợ mỏ. Nhưng càng đàn áp, thợ mỏ càng đoàn kết và khi có một bộ phận trí thức đã được tổ chức cho đi “vô sản hóa”, tờ báo THAN – tiếng nói đầu tiên của thợ mỏ ra đời. Ngày 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh núi Bài Thơ cùng nhiều cuộc đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động diễn ra khắp nơi. Ở mỗi khai trường có thêm một hai tên cai người Pháp luôn cầm roi da, xích sắt sẵn sàng quất vào bất cứ ai chểnh mảng, kêu ca. Ở mỗi lán thợ, mật thám cài một, hai tên tay sai luôn theo dõi từng cử chỉ, hành động của “những kẻ cầm đầu”. Nhà tù mọc lên ngay cạnh văn phòng Công ty Than Bắc Kỳ (SFCT) gần bến phà Hòn Gay và nhiều nơi khác. Thường là những đường lò độc đạo chỉ có một cửa ra vào. Nuôi tù là điều các chủ mỏ không bao giờ nghĩ tới nên mật thám Sở Mỏ đã thẳng tay đàn áp hơn là bắt giam.
Sau Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại, cuộc khủng bố trắng đã diễn ra khắp đất nước và vùng Mỏ là nơi bị đàn áp quyết liệt nhất. Hàng loạt thợ mỏ ưu tú đã bị thủ tiêu trong lò sâu, dìm xác xuống vịnh, không cần xét xử. Đến năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp giành được thắng lợi, buộc Chính phủ Pháp phải nơi lỏng hà khắc với các thuộc địa. Các tổ chức Đảng và Công đoàn được khôi phục lại nhanh chóng ở vùng than với những phương sách hành động mới với khẩu hiệu: “Đoàn kết – Đồng tâm – Kiên cường – Bất khuất”. Một số cuộc đình công lẻ tẻ diễn ra ở Mạo Khê, Cái Đá, Lộ Trí… Đỉnh điểm là chiều ngày 12/11/1936, một tên cai người Pháp đánh chết một thợ cơ khí Cẩm Phả, đông đảo phu mỏ đã khiêng xác người thợ lên đặt trước nhà chủ mỏ đòi “nợ máu phải trả bằng máu”. Số người đấu tranh khắp các lán thợ ùn ùn kéo đến quá đông, mật thám Sở Mỏ phải nhờ trại lính đưa quân đến nhưng không dám nổ súng vì phu mỏ cầm xà beng, cuốc gậy dàn hàng ngang với khí thế sục sôi căm thù. Đêm xuống, hàng ngàn ngọn đuốc rừng rực cháy sáng cả một góc trời. Tổ chức Đảng, Công đoàn nhận thấy đây là thời cơ để vận động toàn thể công nhân vùng Than đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi. Một bản kiến nghị đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện điều kiện lao động, đòi được phát dụng cụ, quần áo, chăm sóc y tế… nhanh chóng được thảo ra và in trên giấy dó, phát cho các đoàn biểu tình. Ngay trong đêm 12, rạng sáng ngày 13/12, toàn bộ thợ mỏ ở Cẩm Phả – Hòn Gay đều nhận được mật lệnh đình công. Để bảo đảm cho thợ mỏ có đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian đình công, tổ chức Công đoàn đã cử người có uy tín đến từng gia đình tiểu thương vận động bán chịu gạo và thực phẩm cho thợ mỏ.
Cuộc Tổng đình công của hơn ba vạn thợ mỏ chính thức diễn ra sáng ngày 13/11, nhanh chóng lan sang Quảng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội. Công sứ Quảng Yên cho điều thêm lính ra Cẩm Phả, nhưng không thể đàn áp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó vừa dạy học, vừa làm báo đã đi xe đạp xuống mỏ viết bài về cuộc tổng đình công đăng trên tờ Lao Động và khẳng định: “Đây là cuộc tổng đình công vĩ đại nhất của lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, có tiếng vang lớn đối với thế giới, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, góp phần phát triển tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn và các cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước, khiến cho thực dân Pháp phải lo sợ”.
Sang đến ngày thứ 6, tình hình cuộc đình công của hơn ba vạn thợ mỏ đã nhận được sự hưởng ứng của thợ thuyền và nhân dân Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Sài Gòn. Thống sứ Bắc Kỳ vội vàng xuống Hòn Gay khuyên các chủ mỏ chấp nhận yêu sách của công nhân để nhanh chóng lập lại trật tự. Ngày 20/11, SFCT chính thức ký cam kết tăng lương, chấp thuận bảo đảm đời sống và cải thiện điều kiện làm việc. Tầm vóc thợ mỏ vùng Than được nâng cao trong tầm nhìn của cả dân tộc, trong vị thế cách mạng Việt Nam và cả trong quan niệm mới của tư bản Pháp. Thợ mỏ ngẩng cao đầu, phanh ngực áo, nhảy múa trong tiếng trống, tiếng nhị, thi nhau hát chèo thâu đêm. Nhà thờ cũng rung chuông mừng. Đền chùa mở toang cửa mời thợ mỏ đến tụng kinh hỉ xả.
Những người Pháp có văn hóa, có nhân phẩm bừng tỉnh sau cơn mê muội. Họ đã nhận ra sức mạnh vĩ đại và vẻ đẹp của những người phu mỏ lấm lem. Các kỹ sư, viên chức người Pháp thay đổi ngay thái độ đối xử và cách xưng hô. Chủ mỏ ra lệnh từ nay không được đánh đập, chửi rủa phu mỏ. Lần đầu tiên một số thợ được phát quần áo, mũ nhựa, ủng, găng tay đắt tiền. Những cải thiện của chủ mỏ đã làm cho cuộc sống người thợ dễ thở hơn và người Pháp cũng nhận được nhiều lợi ích. Sản lượng của vùng than năm 1939 đã đạt được một triệu tấn, tăng gần gấp đôi. Đây là năm làm ăn thịnh vượng nhất của chủ mỏ Pháp tại Việt Nam.
Thế chiến thứ hai bùng nổ, nước Pháp bị Đức chiếm đóng, rồi Nhật hất Pháp ở Đông Dương nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình khai thác than của SFCT. Ngay cả khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân được thiết lập ở vùng Than thì việc sản xuất than vẫn nằm trong tay chủ mỏ Pháp vì là đất nhượng địa và vì công ăn việc làm của hơn ba vạn thợ mỏ. Song, sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hàng trăm thợ mỏ ưu tú đã gia nhập quân đội và Đại đội Hồ Chí Minh đã ra đời do ông Trịnh Nguyên làm Đại đội trưởng, phối hợp với lực lượng của tướng Nguyễn Bình tại Đệ tứ Chiến khu Đông Triều đã có nhiều trận đánh lịch sử. Đáng kể nhất là trận đánh tàu Craysar trên vịnh Hạ Long và trận đánh hạ đồn Hà Lầm đêm 25/12/1946 với gương hy sinh của chú bé Nguyễn Văn Thuộc và tài trí của thợ mỏ Nguyễn Văn Lai.
Khi không công nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ đã viện trợ cho Pháp hàng tỷ USD để mở rộng chiến tranh Việt Nam. SFCT nhận được nhiều thiết bị khai thác than của Mỹ, trong đó có máy xúc Bysuris A1/7 và đoàn xe vận tải lớn Eclis hiện đại nhất lúc đó. Người Pháp chọn lọc rất kỹ những người thợ có trình độ, đáng tin cậy đào tạo điều khiển thiết bị mới, chúng canh phòng rất kỹ lưỡng vì sợ biệt động đội của Việt Minh phá hoại. Thực tế đã xảy ra những vụ phá hoại, mất nhiều thuốc nổ, kíp mìn, xăng dầu mà mật thám biết chắc đã được chở bằng thuyền ra chiến khu cho bộ đội. Chủ mỏ Pháp liên tục tăng lực lượng mật thám, xin chi viện nhiều tên sừng sỏ mà Chánh mật thám Sở Mỏ Giooc Ray là một kẻ gian manh vô cùng tàn bạo. Với bất cứ ai bị nghi ngờ có quan hệ với Việt Minh, hắn đều cho tra tấn đủ nhục hình. Chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Đồng đã bị bắn chết khi dám nhổ bọt vào mặt hắn. Chính Giooc Ray đã đích thân tra tấn 5 nữ công nhân trẻ tuổi rồi nửa đêm cho vào bao tải ra nhấn chìm họ ở Vũng Đục. Biết rõ việc này, nhiều kỹ sư Pháp rất bất bình.
Thời gian gần đây, con trai vị kỹ sư trưởng Pháp thời đó trở lại thăm Cẩm Phả đã đến thắp hương tưởng niệm 5 nữ công nhân anh hùng. Gặp tôi, anh nói rằng, cha anh và những người Pháp chân chính luôn yêu quý, ca ngợi những người thợ mỏ Việt Nam hiền hậu, thông minh, sáng tạo, nhưng rất bất khuất, kiên cường.
Nguồn : Baocongthuong.com.vn