Tự hào “địa chỉ đỏ” – nơi lưu dấu chân người – kỳ 1: xúc cảm nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên
( 23/11/2023 - 13:25 )Hành trình về nguồn nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Ngành Khoáng sản đưa chúng đến thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc, nơi được mệnh danh là “Cái nôi của ngành Khoáng sản Việt Nam”. Ai ai cũng thấy rạo rực một niềm tự hào bởi nơi đây là “Địa chỉ đỏ”- Nơi lưu dấu chân Bác Hồ kính yêu nơi phên dậu biên giới Đông Bắc Tổ quốc.
Vượt qua cung đường hơn 60km từ thành phố Cao Bằng, ngược theo Quốc lộ 34 với hàng trăm khúc cua tay áo ngoằn ngoèo, dốc giữa trùng điệp núi non của “phên giậu biên giới” Cao Bằng, chúng tôi đến mỏ thiếc Tĩnh Túc ngay sát dãy núi Phia Oắc. Tĩnh Túc đây rồi! Tên gọi của mỏ cũng là tên thị trấn gắn liền với sự hình thành và phát triển của mỏ thiếc Tĩnh Túc từ 68 năm trước. Dọc theo hai bên đường thị trấn, những dãy nhà tập thể công nhân mỏ còn in đậm dấu thời gian được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 20.
Đón chúng tôi, anh Trần Văn Chưởng, Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng – Vimico đưa đoàn thăm quan một vòng toàn bộ khu mỏ Tĩnh Túc. Từ công trường khai thác, chế biến quặng thiếc cho đến Khu di tích lịch sử truyền thống văn hoá Mỏ thiếc Tĩnh Túc và Di tích Đền ông Búa, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của công nhân Mỏ thiếc Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Điểm đến đầu tiên là Phòng Truyền thống Mỏ thiếc Tĩnh Túc nằm ở trung tâm thị trấn. Nhìn những hiện vật từ sa bàn công trường mỏ thiếc; những hình ảnh của công nhân mỏ qua các thời kỳ, đến bút tích chúc Tết của của Bác Hồ đề tặng đồng bào các dân tộc khi Bác lên thăm Cao Bằng nhân dịp năm mới ngày 19/02/1961 (tức ngày 5 tháng Giêng, năm Tân Sửu “Chúc đồng bào pi mư đạy lai (chúc đồng bào năm mới tốt lành). Phía dưới là một câu Bác nhắn gửi: “Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao, không ai cao bằng”. Đặc biệt, bức ảnh các công nhân mỏ và đồng bào vây quanh khi Bác lên thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc ngày 15/9/1958 như vẫn còn đây những tình cảm ấm áp cũng những lời căn dặn ân cần, sâu lắng của Người. Đó chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ, động viên các thế hệ người con đất mỏ một lòng đi theo theo Đảng, quyết tâm vượt khó, làm ra thật nhiều sản phẩm thiếc phục vụ Tổ quốc…
Rời Phòng Truyền thống, chúng tôi ngược lên thăm khu Tượng đài Bác Hồ, khai trường mỏ thiếc và di tích Đền ông Búa – nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của công nhân mỏ thiếc được thành lập ngày 21/10/1930, với vỏn vẹn 10 đảng viên. Nhìn lá cờ Búa Liềm vàng sơn đỏ trang nghiêm trên vách đá và tấm bia khắc tên 10 đảng viên uy nghiêm như còn vang vọng lời tuyên thệ đanh thép “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”… của các đảng viên trong buổi lễ trang trọng này cách đây 93 năm. Để rồi từ đây, các chỉ thị, cách thức hoạt động và phương thức đấu tranh của công nhân với chủ mỏ đã từng bước thắng lợi, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ thực dân, phong kiến. Và cũng từ nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của công nhân mỏ thiếc này đã mở ra trước mắt chúng tôi một trang sử đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh từ 93 năm trước…
Mặc dù ở khu vực có vị trí địa lý núi non, hiểm trở, nằm sát dãy Phia Oắc ở độ cao 1.932m so với mực nước biển, đến với mỏ thiếc Tĩnh Túc, chúng tôi đã tận mắt thấy được những dấu ấn khai thác của người Pháp trước đây cùng nhiều dạng địa hình karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) kiến tạo độc đáo, các hố sụt và phễu karst.. Đặc biệt mỏ thiếc Tĩnh Túc lại có nhiều khoáng sản quý hiếm, như: vàng, bạc, thiếc, vonfram, măng gan… Vì thế nên, năm 1886, khi thực dân Pháp chiếm Cao Bằng, nhận thấy khu mỏ có nhiều loại khoáng sản không chỉ có có giá trị kinh tế cao, mà còn là một trong những nguyên liệu cơ bản của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Thực dân Pháp đã tập trung bắt phu mỏ về đây khai thác thiếc làm giàu cho chúng. Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng, giai đoạn 1930 – 2004” (NXB Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2004), “… Từ năm 1896, các công ty tư bản có thế lực trong bộ máy thống trị của Pháp tại Việt Nam tổ chức các cơ sở công nghiệp, chiếm đoạt mỏ thiếc Tĩnh Túc, thâu tóm số phu khai thác thủ công biến họ thành “cu li” bị bóc lột sức lao động để chúng kiếm lợi nhuận”.
Tình trạng tranh giành nhau giữa các công ty tư bản của Pháp đã dẫn đến việc khai thác vô tổ chức. Bọn chủ mỏ chỉ chọn những chỗ có hàm lượng cao, dễ khai thác thì làm, khó thì bỏ, nên gây lãng phí rất nhiều tài nguyên. Bên cạnh đó, chúng lại dùng số lượng lớn nhân công với giá rẻ mạt, khai thác thủ công, vừa ít vốn đầu tư, vừa có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, do số nhân công là người dân tộc thiểu số trong vùng thường không ổn định, chúng chuyển hướng tuyển mộ phu từ miền xuôi lên thay thế dần nhân công địa phương. Thế nhưng, số phu này bị chúng bắt ở tập trung trong các dãy lều dột nát. Công việc cực nhọc, chỗ ở chật chội, lán trại dột nát, quần áo rách rưới, bẩn thỉu, nghèo đói… lại phải chống chọi với khí hậu rét buốt của vùng núi cao heo hút, càng làm cho đời sống người phu mỏ thêm cơ cực. Ngoài việc bóc lột sức lao động, chủ mỏ còn tìm mọi cách để vơ vét những đồng lương ít ỏi của phu mỏ bằng cách mở các sòng bạc, tiệm hút thuốc phiện… khiến cho phu mỏ trắng tay, người thợ mỏ rơi vào cảnh khốn cùng, buộc phải làm cho chúng.
Chưa hết, những phu mỏ này phải làm việc từ 12 đến 14h/ngày đết kiệt quệ sức khoẻ, lại phải thường xuyên đối mặt với ốm đau, dịch bệnh, đặc biệt lài tai nạn sập hầm lò. Điển hình như, năm 1919, 4 cửa lò Phia Oắc bị bùn nước lấp kín, lò bị sập chôn vùi hơn 100 phu mỏ. Năm 1926, lại xảy ra thụt giếng, làm chết 9 phu mỏ. Đó là chưa kế đến hàng ngàn vụ tai nạn khác như rơi vực, nổ mìn, đá lăn, lật goòng gây chết người, hoặc dập, gãy tay chân… Trước tình trạng lao động hà khắc đó, công nhân mỏ đã liên tục nổ ra các cuộc bãi công. Trong thời gian từ năm 1914 đến năm 1929 đã có nhiều cuộc đình công của công nhân vùng mỏ đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi bỏ chế độ hà khắc của thực dân. Thế nhưng, các cuộc đấu tranh tự phát đó đều không mang lại kết quả.
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng vũ khí lý luận sắc bén, có đường lối và phương thức đúng đắn, các phong trào đấu tranh đã lan rộng ra khắp cả nước. Ngày 21/10/1930, chi bộ Đảng đầu tiên của giai cấp công nhân Mỏ được thành lập tại đền Ông Búa, thị trấn Tĩnh Túc với 10 đảng viên. Sự kiện này đã đánh dấu một giai đoạn mới về sự đoàn kết đấu tranh của công nhân vùng mỏ dưới lá cờ tiên phong của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đây công nhân mỏ đã có lý luận, có phương thức hoạt động và tổ chức phát động trong công nhân đứng lên đấu tranh với giới chủ đòi tăng lương, giảm giờ làm. Các đảng viên trong Chi bộ đã tích cực giác ngộ quần chúng, bí mật tuyên truyền phương thức đấu tranh trong công nhân mỏ. Từ đó, các cuộc đấu tranh tự phát đã trở thành tự giác liên tục nổ ra, khiến giới chủ mỏ khiếp sợ. Điển hình nhất là 2 cuộc đình công của công nhân Mỏ thiếc Tĩnh Túc tháng 02/1936 và tháng 01/1939 đã gây tiếng vang trong cả nước, làm cho Thực dân Pháp và bọn chủ mỏ lo sợ và phải nhượng bộ.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, kết thúc hơn 80 năm Nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Sau thành công vĩ đại của dân tộc, chính quyền cách mạng ở Tĩnh Túc cũng nhanh chóng được thành lập. Dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng, giai cấp công nhân đã thoát khỏi gông xiềng của thực dân, chính thức làm chủ khu mỏ.
Năm 1950, quân Pháp rút chạy khỏi Cao Bằng, toàn tỉnh được giải phóng. Để tiếp tục khai thác, tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng thành lập Xí nghiệp quản lý Mỏ với 56 công nhân. Đến tháng 9 năm 1955, Xí nghiệp đã có 1.100 công nhân, tổ chức khai thác thủ công, xuất khẩu được 206 kg thiếc, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tạ Quang Thành, Trần Minh Hùng, Trần Văn Chưởng, Lưu Hùng Mạnh, Chi bộ Văn Phòng – Đảng bộ Tổng công ty Khoáng sản – TKV