Hội nghị pháp chế doanh nghiệp năm 2014
( 13/11/2017 - 1:04 )Sáng ngày 27/6/2014, tại Hội trường trụ sở Tập đoàn, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tập đoàn TKV tổ chức Hội nghị pháp chế doanh nghiệp năm 2014 để cùng trao đổi kinh nghiệm hoạt động pháp chế và đặc biệt là nhìn nhận các khía cạnh pháp lý, thực trạng, vướng mắc và phương hướng hoàn thiện trong việc thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN). Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Văn Biên – Phó tổng giám đốc Tập đoàn TKV cùng chủ trì Hội nghị.
Mở đầu cho những tham luận tại Hội nghị, đồng chí Đặng Thị Tuyết – Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn TKV đã giới thiệu về tình hình tổ chức và hoạt động công tác pháp chế trong Tập đoàn. Hiện nay, Tập đoàn đã cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động công tác pháp chế doanh nghiệp theo Nghị định 55/2011NĐ-CP bằng Quy chế tổ chức hoạt động công tác pháp chế trong toàn Tập đoàn được ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-Vinacomin. Theo đó, pháp chế trong TKV có nhiệm vụ công tác pháp chế doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Về tổ chức nhân sự làm công tác pháp chế, lãnh đạo Tập đoàn giao cho một Phó Tổng giám đốc phụ trách, triển khai đồng bộ từ trên công ty mẹ xuống đến các công ty con, và tuỳ theo mô hình tổ chức của mỗi đơn vị để bố trí, sắp xếp cán bộ làm công tác pháp chế cho phù hợp. Trên công ty mẹ, tổ chức pháp chế được cơ cấu thành một ban độc lập là Ban Pháp chế. Dưới các công ty con, toàn bộ 88 đầu mối đã bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách và được biên chế trong các phòng Thanh tra, pháp chế. Toàn hệ thống có hơn 100 cán bộ pháp chế, trong đó đa số được đào tạo chuyên ngành luật.
Trong quá trình hoạt động, Ban Pháp chế và hệ thống pháp chế trong Tập đoàn TKV đã nỗ lực với tinh thần vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của pháp chế nhằm khẳng định vai trò của pháp chế trong hoạt động SXKD của Tập đoàn. Cụ thể, hàng năm, hệ thống pháp chế trong Tập đoàn đã tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định hàng trăm quy chế, quy định nội bộ trong quản trị doanh nghiệp; Góp ý kiến hàng chục các văn bản Luật, dưới Luật có liên quan đến hoạt động của Tập đoàn; Công tác truyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm triển khai có hiệu quả; Pháp chế có vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho lãnh đạo Tập đoàn phòng ngừa rủi ro pháp lý đối với các giao dịch thông qua hợp đồng bằng cách đưa ra ý kiến thẩm định, tư vấn góp ý các dự thảo hợp đồng hoặc trực tiếp tham gia đàm phán với đối tác…
Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật trong doanh nghiệp của Tập đoàn TKV vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như tổ chức pháp chế tại các đơn vị trong Tập đoàn mới được thành lập nên chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết về nhân sự, cán bộ làm pháp chế chủ yếu là được thuyên chuyển từ vị trí công việc khác sang nên quá trình làm còn phải học hỏi, rút kinh nghiệm, nhiều khi còn lúng túng trong cách xử lý tình huống, áp dụng luật; khó khăn trong việc phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động do đặc thù lao động của ngành phần lớn là công nhân, thời gian làm việc theo ca, kíp, khai trường khai thác lại nằm rải rác phân tán…
Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Bộ Tư pháp trong việc trợ giúp pháp lý cho các doanh nghiệp, Tập đoàn TKV cũng có những kiến nghị góp phần xây dựng hệ thống pháp luật doanh nghiệp ngày càng hiệu quả và chuẩn mực như: đề nghị tăng cường sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp về công tác tổ chức, quản lý, kiến thức chuyên môn cho các cán bộ, bộ phận pháp chế của doanh nghiệp; tăng cường hoạt động của đường dây hỗ trợ pháp lý của Bộ để trợ giúp các doanh nghiệp hỏi-đáp khi có nhu cầu; tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc toạ đàm, trao đổi kiến thức về các vấn đề pháp lý nóng hổi, doanh nghiệp quan tâm; nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho các cán bộ pháp chế với nội dung phù hợp; tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm có chuyên đề liên quan đến kinh nghiệm hoạt động SXKD có yếu tố nước ngoài…
Tại Hội nghị, nhiều tham luận sâu sắc, chuyên sâu cũng như những ý kiến trao đổi của đại biểu các doanh nghiệp trong nước đã diễn ra sôi nổi, nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự như tham luận Tổng quan pháp luật về thực hiện CPH DNNN và phương hướng hoàn thiện của đại diện Vụ pháp luật dân sự – kinh tế Bộ Tư pháp Cao Đăng Vinh; tham luận Thực trạng quá trình thực hiện CPH DNNN của Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến; hay các tham luận bàn về những vướng mắc trong việc CPH DNNN của Trưởng ban Pháp chế Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và Trưởng Công ty Luật Basico.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh: để phát huy những thành tựu đạt được đồng thời rút kinh nghiệm, nâng cao vai trò của cán bộ pháp chế trong việc tham mưu lãnh đạo trong việc CPH DNNN, Bộ Tư pháp đề nghị các đồng chí trong phạm vi nhiệm vụ chức năng của mình được giao tham mưu cho lãnh đạo các DNNN thực hiện tốt Nghị quyết số 15 của Chính phủ về một số giải pháp để thực hiện CPH, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục khắc phục các khó khăn, nâng cao vai trò của cán bộ làm công tác pháp chế của doanh nghiệp. Cụ thể là các nhiệm vụ sau: có kế hoạch triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có lộ trình rõ ràng và định kỳ báo cáo kết quả triển khai Nghị định số 55 của Chính phủ; chủ động soạn thảo trình lãnh đạo doanh nghiệp ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ về công tác pháp chế; đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện kiện toàn tổ chức pháp chế khẩn trương xây dựng trình lãnh đạo DN phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án thành lập mới, củng cố kiện toàn tổ chức hoạt động pháp chế doanh nghiệp; xây dựng, quy hoạch và thực hiện các kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho những người làm công tác pháp chế doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu, tiêu chuẩn trong Nghị định số 55 của Chính phủ; chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và chủ các doanh nghiệp với nhau trong đó lấy các vấn đề chung về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp để giúp cho lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng như Chính phủ làm cầu nối giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp tạo sự thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động SXKD, các doanh nghiệp có những vướng mắc về vấn đề pháp lý có thể trao đổi kiến nghị với Bộ Tư pháp. Bộ có đội ngũ chuyên gia pháp lý là cầu nối để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, qua đó tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp đưa các đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền khắc phục những chỗ trống của pháp luật; củng cố hoàn thiện thể chế pháp luật để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Qua các bài tham luận và trao đổi của các đại biểu, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu những ý kiến đề xuất trong đó có những đề nghị, vướng mắc trong thực tiễn của pháp luật như tổ chức pháp chế cần tăng cường các hội nghị giao lưu trao đổi kinh nghiệm hơn nữa; nâng cao tập huấn bồi dưỡng cho pháp chế doanh nghiệp, các vướng mắc cần tháo gỡ ngay và báo cáo với Chính phủ, đặc biệt là cần tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp về vấn đề CPH DNNN.
Nguồn : (vinacomin.vn)