Hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch tổng thế phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
( 13/11/2017 - 0:59 )Ngày 7/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 879/QĐ-TTg và 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nội dung chính của quy hoạch giai đoạn này là tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo như ngành cơ khí – luyện kim, hóa chất, điện tử – công nghệ thông tin, dệt may-da giày, nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng, than, dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản… nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, gia tăng xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Quyết định của Chính phủ xác định và lựa chọn 3 nhóm ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển gồm công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo theo định hướng quy hoạch không gian theo các vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm. Các địa phương thuộc vùng lõi gồm vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển.
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tập trung vào 10 ngành Cơ khí – luyện kim; hóa chất; điện tử, công nghệ thông tin; dệt may – da giày; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than và ngành dầu khí.
Trong quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính bao gồm công nghiệp cơ khí – luyện kim; điện tử – tin học, dệt may – da giày.
Quy hoạch ngành công nghiệp đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với công nghệ hiện đại, cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và để xuất khẩu.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp đến năm 2030, công nghiệp Việt Nam sẽ phát triển với nhiều ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế…
Để thực hiện được mục tiêu phát triển công nghiệp, Quy hoạch đề ra các nhóm giải pháp đột phá trong việc đổi mới thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và giải pháp về công nghệ.
Về giải pháp ngắn hạn, các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành CN; tăng cường điều phối theo vùng lãnh thổ, phân cấp hợp lý trong quản lý Nhà nước về CN; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế được đưa lên hàng đầu. Về dài hạn, quy hoạch đưa ra 7 nhóm giải pháp về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường và sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công vừa và nhỏ…
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, quy hoạch ngành CN của Việt Nam sẽ có tác động sâu rộng đến từng người, từng địa phương và từng ngành. Để quy hoạch này đi đúng quỹ đạo và sát với đời sống, rất cần sự vào cuộc của rất nhiều ngành và các địa phương trên cả nước.
Nguồn : (vinacomin.vn)