Lãng đãng mây bay Sa Pa!
( 13/11/2017 - 1:01 )Đây là lần thứ hai và có lẽ cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời công tác tôi được cử đi điều dưỡng (lần thứ nhất vào mùa xuân năm 1986 ở Viện Điều dưỡng Bộ Mỏ và Than, huyện Quế Võ tỉnh Hà Bắc). Nhận quyết định của tổng giám đốc cho đi nghỉ điều dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng SAPA- VIMICO trực thuộc Tổng công ty khoáng sản – Vinacomin từ ngày 20 đến 29 tháng 4 năm 2014. Mặc dù được lên công tác và họp hành chỗ này đôi ba lần nhưng tôi và 5 anh em trong cơ quan vẫn háo hức cho chuyến đi. Là trưởng đoàn lại là người xấu lo nên lúc nào cũng phải chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc hành trình. Việc đi tầu hỏa lên thành phố Lao Cai thì là chuyện vẫn làm, nhưng thấy ở gần cơ quan có trụ sở của cơ quan vận tải xe buýt đường dài có giường nằm mang tên Vietbus. Tôi trực tiếp đến liên hệ mua vé đi Sa Pa cho cả đoàn, nhưng qua chuyến hành trình ngược Sa Pa vào đêm 21 tháng tư và ra về vào ngày 28 (sẽ nói ở phần khác). Ngày cuối xuân ở Hà Nội vẫn còn hơi se lạnh lại có mưa nên thời tiết rất xấu, nhưng khi đặt chân lên đất Sa Pa vào lúc 9 giờ sáng thì mới thấy đây đúng là thành phố trong sương. Sương bảng lảng, sương bay lãng đãng tràn vào đường, vào phố, đi ban ngày mà chả thấy rõ mặt người, mây bay qua trời lại nắng đẹp như không hề có gì xẩy ra. Cả đoàn ai cũng mang theo áo chống rét, nhưng cả đợt không có người nào dùng đến, bởi khí hậu tương đối ấm, cứ nhìn về thủ đô lại thấy buồn vì nghe dự báo thời tiết có mưa. Nếu so sánh thì mới thấy Sa Pa quả là tuyệt vời về không gian trong lành, khí hậu mát mẻ, đường phố nhà cửa sạch sẽ. Trung tâm điều dưỡng của Vimico ở hơi sâu và khuất nẻo tận cuối đường Hoàng Liên, nhưng được cái yên tĩnh và đắc địa bởi chỗ này được hưởng đủ cả mây và nắng, lại được ngắm cảnh toàn khu vực nhìn từ trên cao xuống. Sự tiếp đón nhiệt tình của lãnh đạo và cán bộ nhân viên Trung tâm làm cho chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi được bỏ lại đằng sau cái sự bận bịu công việc thường nhật để nghỉ ngơi theo đúng nghĩa: Điều dưỡng. Xa thành phố, xa nơi công tác, các đoàn gồm Công ty than Mạo Khê, Công ty cổ phần vật tư và đưa đón thợ mỏ TKV tận Quảng Ninh và Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc gồm các công ty con như : Công ty cơ khí mỏ Việt Bắc, Công ty cổ phần vật tư thiết bị, Công ty cơ khí và thiết bị áp lực, Công ty xi măng Tân Quang, Xi măng La Hiên với trên một trăm người được bố trí nơi ở tốt. Sau bao nhiêu năm lại có được sự tập trung nghe phổ biến nội quy, được lập hồ sơ khám bệnh, được cấp thuốc bổ, hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng…
Ngày thứ hai tại đây, chúng tôi được Ban tổ chức hướng dẫn cho đi tham quan khu du lịch Thác Bạc, đi lên tận đỉnh đèo Ô Quy Hồ ( nghe nói con đèo này dài nhất Việt Nam, khoảng gần 70 cây số nối hai tỉnh Lao Cai và Lai Châu). Trời đang nắng, bầu trời trong xanh nhưng thoáng một cái mây bao phủ hết xung quanh, gió lạnh và rít lên ghê người, đứng trên đỉnh đèo mà ngắm cảnh núi rừng, nhìn đường, trông trời, ngắm mây, phía trước là đỉnh núi Phan xi păng sừng sững nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn mà người ta vẫn ví von là mái nhà Đông Dương. Không thể dừng lại nơi đây được lâu, đoàn chúng tôi quay trở lại điểm du lịch Thác Bạc(cách Trung tâm Sa Pa) mười lăm cây số. Từ dưới đường quốc lộ 4 D nhìn lên đỉnh núi ta thấy một dòng thác chảy xuống, mùa này không có mưa to nên dòng thác như một dải lụa nhỏ và dài giăng từ đỉnh xuống mầu trắng xóa, mọi người cứ theo các bậc đá leo lên ngắm núi và ngắm thác lại cùng thi nhau chụp ảnh bằng đủ các loại máy ảnh, máy di động, máy Ipas …ở gần cuối thác, nước được tận thu chảy vào các ống dẫn đưa qua đường xuống một khu chăn nuôi các loại cá nước lạnh theo dự án là cá tầm và cá hồi. Một con phố nhỏ được hình thành tự phát theo điểm du lịch có bán các loại thuốc nam, lá, củ thuốc dùng để ngâm rượu, để ngâm nước tắm, cây thuốc rừng nhiều loại để chữa bách bệnh, nấm gỗ linh chi, các loại dao do người dân bản địa sản xuất và cả phong lan được khai thác trong rừng còn tươi mang ra bán. Ai thích mua ruốc cá hồi đóng hộp ở đây cũng có. Sau gần hai giờ đi xem thác nước, xem chợ và xem trang trại nuôi cá, mọi người trở lại nhà nghỉ kết thúc một buổi sáng tham quan, người nào người ấy đều thỏa sức ngắm mây bay và tận hưởng nhiều lớp mây quấn quanh người trên đường đi và cả bay cả vào trong phòng nghỉ. Có thể nói, nơi có nhiều mây nhất và gắn với con người và cảnh vật nhiều nhất là Sa Pa này.
Trời nắng rất đẹp, nhiệt độ vừa phải, sau bữa ăn trưa mọi người nghỉ ngơi thư giãn. Tranh thủ trời nắng, ban tổ chức của Trung tâm lại tổ chức tiếp cho mọi người đi tham quan khu du lịch Hàm Rồng vào buổi chiều. Từ nhà nghỉ mọi người đi bộ qua sau lưng Nhà thờ đá là vào khu vực du lịch. Cứ theo các bậc đá mà lên, mọi người được thưởng thức khu vườn đào Sa Pa, vườn hoa địa lan, vườn 12 con giáp, nhà sàn ở trung tâm có biểu diễn các tiết mục văn nghệ và múa sạp giao lưu. Đi tiếp lên là khu núi “ Cổng trời 1, Cổng trời 2” luồn lách tiếp qua các khe đá đi qua các vườn hoa và cuối cùng của điểm du lịch này là tháp đỉnh Hàm rồng. Đây là một bộ khung bằng thép được thiết kế trên đỉnh núi để mọi người lên đấy ngắm nhìn thành phố. Qua các tấm biển chỉ dẫn và quảng cáo thì mới biết khu du lịch này do Tập đoàn Cao su đầu tư và cai thầu khoán. Chỉ có lên đây mới thực sự cảm thụ hết được về Sa Pa, tôi cứ nghĩ về lời của bài hát “ Sa Pa thành phố trong sương, bốn mùa hoa trái ngát hương, mây mù mưa bay gió lạnh… Ơi Sa pa … của ta …”.Khi từ trên núi xuống, tôi tranh thủ tìm đọc một đoạn trong tấm biển quảng cáo về Sa Pa.
“ Sa Pa nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 376 km. Sa Pa có độ cao trung bình từ 1.200 m đến 1.800 mét so với mặt nước biển. Điểm cao nhất là đỉnh Fansipan cao 3143 mét. Nơi đây có khí hậu và cảnh quan tuyệt vời, trong một ngày có cả bốn mùa. Mùa xuân vào buổi sáng, mùa hạ vào buổi trưa, mùa thu vào buổi chiều, mùa đông khi màn đêm buông xuống. Sa Pa là một điểm du lịch nghỉ mát và khám phá hết sức thú vị, với hệ động thực vật phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Không những thế, Sa Pa còn là nơi đẹp nhất trong dải Hoàng Liên Sơn vì có nhiều danh thắng lam thắng cảnh đẹp như Hàm Rồng, Thác Bạc, Cầu Mây, Đỉnh núi Fansipan, động Tả Phìn, vườn Quốc gia Hoàng Liên, Nhà thờ đá và Tu viện Tả Phìn, Khu chạm khắc đá cổ …
Sa Pa hội tụ đủ 6 dân tộc anh em : Mông, Dao, Kinh, Tày, Xa Phó, Dáy. Con người hồn hậu, mến khách và vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa độc đáo của riêng mình, những màu sắc trang phục của các dân tộc khác nhau cùng về đây tụ hội làm cho Sa Pa trở thành một bức họa ở chốn bồng lai, tiên cảnh giữa trần gian”.
Tiếp tục khám phá Sa Pa, hôm sau chúng tôi tiếp tục đi tắm nước lá của người Dao tại bản Tả Phìn, bản này cũng cách trung tâm khoảng gần 20 cây số. Đường vào bản có đoạn tốt, đoạn xấu xe cứ xóc nhảy chồm lên, nhưng với sự hướng dẫn nhiệt tình của nhân viên Trung tâm và lái xe nên mọi người quên cả nắng vui chuyện nên không ai thấy mệt, xe dừng lại xem Tu viện cũ của người Pháp xây từ những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi, tu viện Tả Phìn ngày nay đã trở thành phế tích nhưng nét kiến trúc độc đáo vẫn để lại dấu vết để mọi người ngắm lại quá khứ của nhà thờ dòng tu La Mã cổ. Đi tiếp trên đường vào bản với hai bên là những cánh đồng ruộng bậc thang tiêu biểu nhất Việt Nam, mùa này lúa mới cấy nên màu xanh trên những thửa ruộng trông mướt mắt. Khi đến bản vào khu nhà đón tiếp và chờ đợi đến lượt mình vào tắm và ngâm nước lá thuốc trong bồn gỗ, ai cũng tưởng sẽ ngâm được lâu, nhưng người chịu được lâu nhất cũng không qua nổi một giờ đồng hồ. Có người còn có cảm giác bị say thuốc, ở phòng tắm ra, người nào người nấy da đỏ ửng lên vì thuốc nhưng một lát sau người cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái. Trở lại xe để về nhà nghỉ, tất cả đều có cảm giác vui vẻ vì đã có trải nghiệm thực sự chứ không phải nghe kể qua báo chí và truyền hình.
Những ngày nghỉ tiếp theo, mọi người lại tiếp tục tìm hiểu vùng đất này theo sở thích của từng người, đi bộ, vào bản, xuống chợ ngày, đi chợ đêm …ai cũng muốn dùng quỹ thời gian rảnh rỗi để khám phá Sa Pa. Thực sự có đi nhiều nơi, nhiều chỗ thì mới biết, thiên nhiên và cảnh vật từng nơi với đặc thù riêng nó cũng góp phần tạo nên cá tính và bản chất con người, người dân ở đây sống bình thản, không gấp gáp thân thiện và cởi mở. Với những người cán bộ và nhân viên ở Trung tâm điều dưỡng Sa Pa- Vimico từ Giám đốc Võ Thiện Hảo, cán bộ phụ trách tổ chức hành chính Hoàng Đình Chiến, Trưởng bộ phận Y tế Nguyễn Trường Minh và các cán bộ nhân viên khác của trung tâm đều rất nhiệt tình trong công việc. Từ việc tiếp đón, bố trí ăn nghỉ, hướng dẫn du lịch, tổ chức các hoạt động liên hoan văn nghệ, đốt lửa trại, rồi đến việc thay đổi cải tiến thực đơn bữa ăn hàng ngày cho khách đều được quan tâm khiến cho những người đến nghỉ ở đây đều rất có thiện cảm khi ở và rất lưu luyến khi ra về. Thời gian nghỉ ở đây cũng như mây bay, gió thoảng. Tôi cứ nghĩ trong giai đoạn hiện nay với những Trung tâm du lịch của ngành làm nhiệm vụ điều dưỡng mà có được tình cảm với khách như Trung tâm điều dưỡng Sa Pa -Vimico không phải là nhiều nếu không nói là còn hiếm, bởi thói quen bao cấp còn nặng chưa dễ gì xóa bỏ được. Đi hết các cơ sở du lịch, nhà khách, khách sạn trong ngành ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Vĩnh Phúc …chỗ nào cũng có điểm đáng ghi nhận nhưng chúng tôi cũng mong tất cả mọi chỗ đều học tập lẫn nhau làm được như ở đây. Rời Sa Pa trở lại Hà Nội, để lại thành phố trong sương những kỷ niệm và tình cảm khó quên. Ai ai cũng mong có dịp trở lại khi mọi ngả đường từ đường bộ đến đường sắt trên mọi phương tiện như tầu hỏa, ô tô đều thuận lợi không khó khăn, gian truân, cách trở và tắc đường như những ngày vừa qua để việc du lịch và nghỉ dưỡng đúng theo nghĩa của nó. Sau kỳ nghỉ mong có thêm được sức khỏe, tâm hồn vui vẻ để tiếp tục làm việc được tốt hơn, hiệu quả hơn góp sức mình vào sự nghiệp chung của Than – khoáng sản Việt Nam tiến bước cùng đất nước ./.