Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng Giám đốc TCT Khoáng sản – TKV: Xây dựng, phát triển Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin giàu mạnh – thân thiện – hài hòa
( 16/11/2017 - 10:41 )Việc thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam là chủ trương đúng đắn có ý nghĩa lớn cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Nó khẳng định một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc sắp xếp tổ chức các doanh nghiệp Nhà nước. Về vấn đề này phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng Giám đốc TCT Khoáng sản – Vinacomin.
PV: Là người đứng đầu TCT Khoáng sản – Vinacomin, một đơn vị lớn, ông đánh giá gì về việc thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam?
ông Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng Giám đốc TCT Khoáng sản – Vinacomin
Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Theo tôi tại thời điểm đó, việc thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam về tổ chức là phù hợp, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta cũng như sự đồng thuận cao của lãnh đạo hai TCT. TCT Khoáng sản Việt Nam (Vimico) được thành lập năm 1995, nhưng các đơn vị thành viên của TCT đã có lịch sử hình thành và phát triển từ các năm trước như: Mỏ thiếc Tĩnh Túc là đơn vị khai thác kim loại màu (KLM) đầu tiên của nước ta được thành lập năm 1955, Công ty KLM Thái Nguyên, Công ty KLM Nghệ Tĩnh; Công ty Phát triển khoáng sản 3, 4, 5, 6… thành lập từ những năm 1980. Sau 10 năm đổi mới (từ 1986), thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ thành lập các TCT để thúc đẩy quá trình tập trung hóa, nâng cao năng lực sản xuất, chuẩn bị cho hội nhập quốc tế. Do vậy, ngày 27/10/1995 Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) đã có Quyết định số 1118/QĐ – TCCB ĐT thành lập TCT Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 2 TCT Khoáng sản quý hiếm và TCT Phát triển khoáng sản (đã được thành lập năm 1990). Ngày 26/12/2005, theo Quyết định số 345/2005/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, theo đó TCT Khoáng sản Việt Nam là công ty con của Tập đoàn và đổi tên là TCT Khoáng sản – Vinacomin. Tháng 3/2008, Thủ tướng Chính phủ công nhận TCT là TCT Nhà nước hạng đặc biệt. Tháng 6/2010, Bộ Công Thương có quyết định chuyển Công ty mẹ – TCT Khoáng sản – Vinacomin sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên và có tên mới là TCT Khoáng sản – Vinacomin.
Đến nay thì Vimico đã thực sự lớn mạnh với các ngành nghề như:Điều tra khảo sát, thăm dò địa chất, khai thác, chế biến (tuyển, luyện) và kinh doanh tiêu thụ các loại khoáng sản như: KLM (thiếc, chì, kẽm, đồng,..); kim loại đen (sắt, mangan, titan); kim loại quý hiếm (vàng, bạc, đá quý, đá bán quý, đất hiếm); phi kim (cao lanh, fenspat); vật liệu xây dựng; chế tác sản xuất hàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh dịch vụ khách sạn, văn phòng cho thuê, dịch vụ vận tải, dịch vụ lữ hành nội địa quốc tế v.v…Và nó càng thể hiện tính đúng đắn trong việc hợp nhất này.
PV: Xin ông cho biết, công nhân, cán bộ, người lao động TCT Khoáng sản được hưởng lợi hay phải chịu sức ép gì không sau việc tổ chức lại sản xuất như vậy? Than và Khoáng sản có ảnh hưởng đến nhau nhiều không, Chẳng hạn việc học tập cách quản lý của nhau?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Sau khi hợp nhất, TCT Khoáng sản đã được Tập đoàn Vinacomin hỗ trợ nhiều về các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chiến lược của Vimico như: Nguồn vốn để triển khai các dự án trọng điểm, phát triển tài nguyên, triển khai các dự án môi trường cũng như hỗ trợ để hoàn thiện về mô hình quản lý, công tác quản lý kỹ thuật, quản trị chi phí, chăm lo đời sống cho người lao động… Tất cả những điều đó đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của TCT ngày nay.
Sau khi Vimico trở thành công ty con của Tập đoàn Vinacomin, Vimico được đẩy mạnh đầu tư, đưa các công trình, dự án lớn vào sản xuất như nhà máy tuyển (Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền), Nhà máy Luyện đồng (Công ty Luyện đồng Lào Cai), Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (Công ty CP KLM Thái Nguyên); triển khai đầu tư các dự án lớn khác như Gang thép Cao Bằng, Vàng Apây Quảng Trị, Vàng Minh Lương Lào Cai… Tổng giá trị thực hiện đầu tư 5 năm 2005-2010 của TCT là 3.120 tỷ, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện 5 năm trước đó. Kế hoạch thực hiện đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 4.840 tỷ đồng. Ngoài ra còn tham gia góp vốn với các công ty cổ phần liên doanh, liên kết từ 2006 là 281 tỷ đồng. Đây cũng là thời kỳ, TCT thực hiện đầu tư mạnh vào chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản, theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra. Do đó, từ năm 2006 đến nay, doanh thu của TCT đạt 25.500 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với giai đoạn 1996 – 2005 khi chưa hợp nhất, trong đó doanh thu khoáng sản là 21.600 tỷ đồng, tăng 8,4 lần so với giai đoạn 1996 – 2005 (doanh thu toàn TCT giai đoạn 1996 – 2005 là 4.814 tỷ đồng, trong đó khoáng sản là 2.585 tỷ đồng). Tổng giá trị sản xuất đạt 4.505 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 1996 – 2005.
Tổng Công ty đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì
PV: Xin ông cho biết, quá trình phát triển của TCT khoáng sản hiện tại và sắp tới?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT bên cạnh một số thuận lợi như nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, các địa phương nơi Vimico hoạt động sản xuất kinh doanh… Vimico cũng còn rất nhiều khó khăn khi điều kiện khai thác nhiều mỏ ngày càng khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, thị trường tiêu thụ khoáng sản kim loại trong nước trầm lắng, giá nhiều khoáng sản không ổn định… Song chúng tôi tin tưởng với truyền thống kỷ luật đồng tâm, vượt khó, quyết liệt triển khai các giải pháp nâng cao năng suất lao động, quản trị chi phí… TCT sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này, hoàn thành tốt kế hoạch Tập đoàn giao.
PV: Theo định hướng phát triển của ngành Than – Khoáng sản thì khối khoáng sản có mục tiêu phát triển như thế nào? Việc cổ phần hóa công ty mẹ TCT Khoáng sản sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh: Về mục tiêu phát triển khối khoáng sản: Tập trung khai thác và chế biến sâu một số khoáng sản có trữ lượng lớn, tiến tới hình thành ngành công nghiệp luyện kim đen – luyện kim mầu quan trọng như: Sản xuất đồng kim loại, phôi thép, alumin – nhôm, ti tan, đất hiếm…
Hiện tại TCT đang tập trung triển khai cổ phần hóa công ty mẹ TCT, phấn đấu đầu năm 2015 sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trong quá trình phát triển, việc cổ phần hóa công ty mẹ sẽ giúp TCT thay đổi về phương thức, mô hình, cơ cấu quản lý, huy động nguồn vốn, đáp ứng triển khai các dự án trọng điểm của TCT cũng như đảm bảo nâng cao hơn nữa thu nhập, đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động trong TCT.
Mục tiêu chung của TCT là: “Xây dựng và phát triển TCT Khoáng sản – Vinacomin Giàu mạnh – Thân thiện – Hài hòa”. Mục tiêu cụ thể: Trở thành nhà sản xuất và cung ứng các sản phẩm từ các khoáng sản: đồng, chì kẽm, thiếc, vàng, tinh quặng sắt và phôi thép,đất hiếm với khối lượng lớn, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Phấn đấu tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững, sau mỗi 5 năm, tổng doanh thu toàn TCT tăng 2 lần.
Sau cổ phần hóa Công ty mẹ TCT, Vimico sẽ đổi mới về mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh doanh, cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, đảm bảo sự ổn định trên cơ sở đổi mới có sự kế thừa những thành tựu đã đạt được nhằm gia tăng mọi năng lực sản xuất sẵn có trong Vimico. Khai thác các tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, phát huy các lợi thế thị trường nội bộ của Tập đoàn nhằm mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm khoáng sản và kim loại của nền kinh tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cụ thể là: Thứ nhất, tuân thủ phương châm“Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh” và phát triển bền vững; Thứ hai, phát triển “Thân thiện với môi trường; hài hòa với địa phương, cộng đồng; hài hòa với đối tác, bạn hàng; hài hòa giữa các công ty thành viên và người lao động”; Thứ ba, tập trung phát triển ngành khoáng sản với mục tiêu không ngừng nâng cao sản lượng, năng suất, chất lượng, hiệu quả theo hướng đi đôi với phát triển theo chiều rộng đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm; Thứ tư, phát triển trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các nguồn nội lực trong TCT, Tập đoàn và mọi nguồn lực trong nước kết hợp tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài bằng các hình thức thích hợp v.v.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thúy Hà (thực hiện)
Nguồn : tapchicongthuong.vn