Vimico – Bài ca vang mãi trên hai thập kỷ
( 18/11/2017 - 1:26 )Tổng công ty khoáng sản – TKV luôn khẳng định vị trí hàng đầu của ngành khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam. Được Nhà nước giao Quản lý, khai thác nguồn tài nguyên của đất nước trải dài từ Quảng trị, Nghệ An, lai Châu, Lào Cai đến Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang. 21 năm qua Tổng công ty đã viết lên những bài ca kỳ diệu về đầu tư chế biến sâu khoáng sản.
Sau 10 năm đổi mới (từ 1986), thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ thành lập các TCT để thúc đẩy quá trình tập trung hóa sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, chuẩn bị cho hội nhập quốc tế, ngày 27/10/1995, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) đã có quyết định số 1118/ QĐ – TCCB ĐT thành lập Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 2 Tổng công ty Khoáng sản quý hiếm và Tổng công ty Phát triển khoáng sản ( đã được thành lập năm 1990).
TCT Khoáng sản Việt Nam (Vimico) được thành lập năm 1995 nhưng các đơn vị thành viên của Tổng công ty đã có lịch sử hình thành và phát triển từ các năm trước như: Mỏ thiếc Tĩnh Túc là đơn vị khai thác KLM đầu tiên của nước ta được thành lập năm 1955, Công ty KLM Thái Nguyên, Công ty KLM Nghệ Tĩnh; Công ty Phát triển khoáng sản 3, 4, 5, 6… thành lập từ những năm 1980.
Tổng nguồn vốn kinh doanh khi mới thành lập chỉ là 120 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách 82 tỷ đồng. Đến tháng 3/2003 Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam tiếp nhận Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam với nguồn vốn 51 tỷ đồng sáp nhập vào. Ngày 26/12/2005 Theo Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, theo đó Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam là công ty con của Tập đoàn và đổi tên là Tổng công ty Khoáng sản – TKV. Tháng 3/2008, Thủ tướng chính phủ công nhận Tổng công ty là Tổng công ty Nhà nước hạng đặc biệt. Tháng 6/2010, Bộ Công thương có Quyết định chuyển Công ty mẹ Tổng công ty Khoáng sản – TKV sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên và có tên là Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin. Ngày 18/9/2015, Đại hội cổ đông Tổng công ty Khoáng sản đã họp để thông qua điều lệ hoạt động. Ngày 6/10/2015, Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần và có tên mới là Tổng công ty Khoáng sản TKV – Công ty cổ phần (Vimico), tên rút gọn là Tổng công ty Khoáng sản – TKV.
Đến nay Tổng công ty có 4 đơn vị trực thuộc, 14 công ty con, 04 đơn vị liên kết và đầu tư tài chính dài hạn, sử dụng lao động gần 5300 người.
Tích cực đầu tư để không ngừng phát triển
Trong giai đoạn 1995 – 2005, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam khi thành lập, vốn nhà nước giao từ 2 Tổng công ty gộp lại chỉ có gần 120 tỷ đồng chủ yếu do tiếp nhận và sáp nhập, chưa được nhà nước bổ sung thêm vốn. Quán triệt nghị quyết 13-NQ-TƯ ngày 1/3/1996 của Bộ chính trị về phát triển chế biến khoáng sản, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển tập trung đầu tư các dự án vừa và nhỏ để nâng cao vai trò chủ đạo của Tổng công ty trong ngành khai thác chế biến khoáng sản. Nhiều dự án đã được đưa vào sản xuất có hiệu quả từ năm 1997- 2000 như: Dự án lò quay xử lý quặng ôxit nghèo, sản xuất oxit kẽm 60% quy mô 4000 tấn sản phẩm/năm; xưởng tuyển nổi làm giầu quặng sunfua kẽm chì Chợ Điền 6000 tấn tinh quặng kẽm/ năm; cải tạo xưởng tuyển nổi kẽm chì Làng Hích 3000 tấn tinh quặng kẽm/ năm; các lò điện sản xuất feromangan; ferosilic 2.000 tấn/năm; trạm thủy điện Bản Pắt – Cao Bằng 630 KVA; Nhà máy gạch Mỹ Xuân – Vũng Tầu 45 triệu viên/năm; Nhà máy gạch Phú Yên 20 triệu viên/năm. Tiếp nhận lò cao sản xuất gang đúc 22 m3 của tỉnh Cao Bằng về quản lý; rồi tiếp tục mở rộng thêm lò cao số 2 đưa công suất sản xuất gang lên 26.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư của các dự án gần 150 tỷ đồng. Các dự án đã đầu tư đưa vào sản xuất có hiệu quả có điều kiện tăng thêm việc làm cho gần 2.000 lao động, đưa mức tăng trưởng và giá trị tổng sản lượng bình quân 10 năm của Tổng công ty đạt trung bình trên 13% năm, khắc phục dần các khó khăn và thua lỗ của các đơn vị, lợi nhuận sản xuất kinh doanh ngày một tăng.
Kết quả 10 năm (1995 – 2005), TCT SXKD với giá trị tổng sản lượng đã tăng 2,5 lần so với năm 1996, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13% năm, tổng doanh thu năm 2005 gấp gần 3 lần so với năm 1996, nộp ngân sách nhà nước tăng 3,58 lần, tổng giá trị tài sản của Tổng công ty tăng gần 10 lần so với khi mới được thành lập, thu nhập bình quân của Tổng công ty đã tăng hơn 2 lần so với năm 1996.
Trong giai đoạn 2005-2015, Tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, đưa các công trình, dự án lớn vào sản xuất như nhà máy tuyển (Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền), Nhà máy Luyện đồng (Công ty Luyện đồng Lào Cai) Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (Cty CP KLM Thái Nguyên) triển khai đầu tư các dự án lớn khác như Gang thép Cao Bằng, Vàng Apây Quảng trị, Vàng Minh Lương Lào Cai… Đặc biệt dự án Gang thép Cao Bằng có tổng mức đầu tư trên 1990 tỷ đồng có tổng công suất thiết kế 221 600 tấn phôi thép/năm, doanh thu ước đạt 1500 tỷ đồng/năm đã cho ra lò mẻ thép đầu tiên vào ngày 30/9/2015 sau nhiều năm tháo gỡ khó khăn về tiền vốn, công nghệ, nhà thầu xây dựng. Dự án vào hoạt động đã giải quyết được gần 1500 lao động làm việc trong khu liên hợp có thu nhập ổn định và tạo ra khoảng 15 000 việc làm cho người lao động khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp. Kèm theo đó cả một hệ thống dịch vụ công cộng hoàn chỉnh, tạo điều kiện phát triển văn hóa, giáo dục và nâng cao trình độ dân trí trong khu vực. Giảm tỉ lệ người thất nghiệp, giảm các tệ nạn xã hội đem lại đời sống tốt hơn cho hàng ngàn gia đình đồng bào các dân tộc của tỉnh Cao Bằng.
Tổng giá trị đầu tư 5 năm 2005-2010 của Tổng công ty là 7.223 tỷ tăng gấp 5,9 lần so với kế hoạch 5 năm trước đó. Kế hoạch thực hiện đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 7269 tỷ đồng. Ngoài ra còn tham gia góp vốn với các Công ty cổ phần liên doanh, liên kết từ 2006 là 281 tỷ đồng. Đây cũng là thời kỳ, TCT thực hiện đầu tư mạnh vào chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản, theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra.
Giai đoạn 2006 – 2015, tổng doanh thu của TCT đạt: 29.205 tỷ đồng, tăng 6 lần so với giai đoạn 1996 – 2005, trong đó Doanh thu Khoáng sản là 25.222 tỷ đồng (tăng xấp xỉ 10 lần so với giai đoạn 1996 – 2005). (Doanh thu toàn Tcty giai đoạn 1996 – 2005 là 4.814. tỷ đồng, trong đó khoáng sản là 2.585 tỷ đồng)
Tổng giá trị sản xuất đạt: 5.070 tỷ đồng, tăng 2 lần so với giai đoạn 1996 – 2005. Đến tháng 10/2015 vốn điều lệ của toàn Tổng công ty là: 2000 tỷ, tổng tài sản tăng gấp trên 40 lần so với khi thành lập.
Đẩy mạnh chế biến sâu, luôn giữ vai trò chủ đạo trong SXKD khoáng sản
Trước năm 2005, ngoài sản phẩm như Thiếc kim loại, Perocilic, Manggan, Chì, Gang đúc thì phần lớn các loại sản phẩm khoáng sản của Tổng công ty vẫn tiêu thụ dưới dạng quặng thô hoặc tinh quặng mà chưa có sản phẩm chế biến sâu ở quy mô lớn. Quý IV/2006 nhà máy kẽm của Công ty CP Kim loại mầu Thái Nguyên với công suất 10.000 tấn/ năm đã đi vào hoạt động khởi đầu giai đoạn chế biến sâu với quy mô lớn nhằm đưa sản phẩm kẽm thỏi đầu tiên để cung cấp cho thi trường nội địa. Tháng 8/2008 khánh thành nhà máy Luyện đồng – Lào Cai 10.000 tấn/năm, Tổng công ty đã có sản phẩm đồng kim loại để cung cấp cho thị trường Việt Nam. Quý 4/2014 Vàng Minh lương Lào Cai đã ra sản phẩm, tháng 9 năm 2015 sản phẩm phôi thép đầu tiên của Tổng công ty chính thức được ra mắt tại Công ty cổ phần Gang thép – Cao Bằng với sản lượng phôi thép dự kiến năm 2016 là: 150 000 tấn/năm. Trong kế hoạch đầu tư 5 năm (2015-2020) TCT tiếp tục đầu tư mở rộng nâng công suất khai thác mỏ tuyển đạt 90 000 tấn tinh quặng đồng 24% Cu/năm; mở rộng nâng công suất nhà máy luyện động giai đoạn 1 đạt 30 000 tấn Cu katot 99,95% vào năm 2018 và sau năm 2020 sẽ tiếp tục mở rộng giai đoạn II nâng công suất đạt 50 000 tấn năm; sản xuất đạt 220 000 tấn phôi thép/ năm vào năm 2017 và nghiên cứu đầu tư dây truyền cán thép; nâng công suất nhà máy kẽm điện phân Thái nguyên đạt 15 000 tấn/năm vào năm 2017; khai thác, tuyển, luyện, chiết tách quặng đất hiếm Đông Pao, Lai Châu với tổng trữ lượng tài nguyên địa chất khoảng trên 11,3 triệu tấn và là tổ hợp sản xuất chế biến quặng đất hiếm đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.
Định hướng phát triển các năm sau cổ phần hóa Công ty mẹ TCT
21 năm qua, Vimico đã không ngừng phát triển. Với những chủ trương đúng đắn của Tập đoàn CN Than – Khoáng sản VN đã và đang chỉ đạo Tổng công ty, những thời cơ và vận hội mới đang được tiến hành bởi các dự án mới đang được đầu tư tại các địa phương như: Mỏ sắt Nà Rụa Công ty Gang thép Cao Bằng; Công trình mở rộng Tổ hợp Đồng Sin Quyền; Cải tạo nâng công suất nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên, Đất hiếm Lai Châu …
Sau cổ phần hóa cần đổi mới Tổng công ty về mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh doanh, cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, đảm bảo sự ổn định trên cơ sở đổi mới có sự kế thừa những thành tựu đã đạt được nhằm gia tăng mọi năng lực sản xuất sẵn có trong Tổng công ty, khai thác các tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, phát huy các lợi thế thị trường nội bộ của Tập đoàn Vinacomin nhằm mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm khoáng sản và kim loại của nền kinh tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước vì mục tiêu “Dân giàu – Nước mạnh – Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nguồn : Phòng CNTT & TrT