10 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm giai đoạn 2011-2015
( 12/11/2017 - 23:44 )1. Chương trình cơ giới hóa, hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản
Tập trung nghiên cứu và phát triển áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khấu than trong các lò chợ dài, lò chợ ngắn ở hầu hết các mỏ than hầm lò, với mục tiêu tăng gấp hơn 2 lần năng suất lao động và sản lượng lò chợ đã đạt được hiện nay bằng công nghệ nổ mìn, chống lò bằng các loại giá thủy lực di động trong cùng một điều kiện. Phát triển áp dụng rộng rãi các đồng bộ thiết bị đào lò bằng dàn khoan, máy bốc xúc hoặc máy liên hợp đào lò với đồng bộ dây chuyền vận tải phù hợp để tăng tốc độ đào lò đá trên 100 mét/tháng. Áp dụng rộng rãi các loại vì neo bê tông cốt thép, neo dẻo cốt thếp, bê tông phun ở các đường lò; giải quyết hiệu quả, an toàn vấn đề vận tải, đổ thải, thoát nước cũng như mối quan hệ khai thác hầm lò – lộ thiên đối với các mỏ lộ thiên xuống sâu và khai thác hầm lò dưới đáy các mỏ lộ thiên.
2. Chương trình phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sử dụng than và các loại khoáng sản
Tiếp tục phát triển áp dụng công nghệ tuyển huyền phù tự sinh, huyền phù manhetit, bàn đãi khí, máy lắng lưới chuyển động… để tận thu than trong bã sàng và than nguyên khai chất lượng thấp; tăng cường nghiên cứu và đưa vào áp dụng các thiết bị tiên tiến thu hồi cấp hạt mịn như máy tuyển đa trọng lực để tận thu triệt để cấp hạt mịn trong quặng nguyên khai và các bãi thải trước đây; tập trung nghiên cứu lựa chọn công nghệ tiên tiến phù hợp để tuyển sâu các loại quặng bauxit, sắt, titan.
3. Chương trình thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, chế tạo máy, thiết bị điện, điện tự động hóa
Tập trung nghiên cứu, đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ sửa chữa và chế tạo ở các nhà máy cơ khí, đặc biệt ở các khâu kiểm soát chất lượng vật liệu và sản phẩm, khâu đúc, hàn…; đầu tư nghiên cứu thiết kế dây chuyền công nghệ sản xuất chính ở các mỏ lộ thiên, hầm lò…
4. Chương trình giảm thiểu và phòng chống ảnh hưởng bất lợi của điều kiện tự nhiên vào quá trình khai thác mỏ, đảm bảo sản xuất an toàn
Tăng cường nghiên cứu các giải pháp ổn định bờ moong lộ thiên sâu, nghiên cứu dịch động đá mỏ và bề mặt đất đá do ảnh hưởng của khai thác hầm lò, ứng dụng công nghệ kiểm soát nước mỏ, ngăn ngừa nguy cơ bục nước, kiểm soát khí mỏ, cháy mỏ trong quá trình khai thác các mỏ hầm lò.
5. Chương trình khai thác và sử dụng tổng hợp tài nguyên than – khoáng sản
Nghiên cứu công nghệ thu hồi và sử dụng khí mê tan trong quá trình khai thác mỏ, nghiên cứu sử dụng đá xít từ quá trình sàng tuyển than ở các mỏ và nhà máy tuyển để sản xuất điện; nghiên cứu sử dụng xỉ thải các nhà máy điện làm gạch không nung, phụ gia xi măng; nghiên cứu tái sử dụng bùn đỏ từ các nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng)…
6. Chương trình phát triển năng lượng thay thế và vật liệu mới
Nghiên cứu công nghệ khí hóa than để sản xuất methanol và dầu DME; nghiên cứu phát triển công nghệ than đóng bánh thay thế than cục; nghiên cứu phát triển sản xuất và sử dụng nhiên liệu huyền phù than thay thế dầu, khí đốt cho các nồi hơi công nghiệp…
7. Chương trình tiết kiệm năng lượng và phát triển công nghệ thông tin
Thực hiện kiểm toán năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng ở tất cả các doanh nghiệp, xây dựng mô hình doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và kiểm soát các quá trình sản xuất, ứng dụng các phần mềm quản lý phục vụ quản trị doanh nghiệp và kinh doanh…
8. Chương trình nghiên cứu công nghệ khai thác trong điều kiện đặc biệt
Tập trung nghiên cứu công nghệ khai thác than dưới các moong mỏ lộ thiên, dưới các bãi thải mỏ, công trình công nghiệp ở Quảng Ninh và bể than Đồng bằng Sông Hồng; nghiên cứu công nghệ và các giải pháp kỹ thuật đảm bảo khai thác an toàn và hiệu quả mỏ sắt Thạch Khê, các mỏ Bauxit ở Lâm Đồng, Đắc Nông.
9. Chương trình phát triển mô hình sản xuất sạch hơn, an toàn hơn
Thực hiện kiểm toán môi trường và kiểm toán an toàn ở các doanh nghiệp trong Tập đoàn, áp dụng các giải pháp tổng thể ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và nguy cơ xảy ra mất an toàn ngay từ khâu sản xuất và quản lý.
10. Chương trình nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ
Đánh giá trình độ công nghệ ở các doanh nghiệp và toàn Tập đoàn, đào tạo cán bộ khoa học, quản lý, xây dựng các phòng thí nghiệm, hình thành hệ thống quản lý chất lượng, sở hữu công nghiệp, năng lực thông tin.
Tác giả bài viết: P.V
Nguồn : Vinacomin.vn