Đi từ truyền thống, xây dựng cho hiện tại và tính đến tương lai
( 14/11/2017 - 2:14 )Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có ý nghĩa rất lớn và bước đầu đem lại kết quả tích cực trong giai đoạn hiện nay.
Bác Hồ đi bầu cử Quốc hội khóa II (ngày 8/5/1960) tại Hà Nội
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu hai điều vô cùng quan trọng, cần coi như định hướng cho mọi suy nghĩ và hành vi đạo đức của nhân dân ta trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Mọi tiêu chí đạo đức, khi xây dựng, đều phải xuất phát từ hai điều cơ bản này và cụ thể hóa trong hoàn cảnh hiện nay.
Thứ nhất, định hướng cho lý tưởng đạo đức của nhân dân ta trước những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của dân tộc mà mọi người có đạo đức phải thực hiện cho kỳ được: Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Đạo lý làm người của dân tộc trước hết phải tập trung vào bảo vệ từng tấc đất của quốc gia trên tinh thần toàn dân cùng yêu thương và gắn bó với nhau để làm cho dân giàu, nước mạnh. Lời nói của Người phải là một động cơ mãnh liệt trong tư duy, trong tình cảm và ở ý chí của con người. Câu nói đó không chỉ là một lời răn dạy nói suông mà phải gắn liền với tinh thần dũng cảm hy sinh và khí phách kiên cường của dân tộc từ đời này qua đời khác.
Thứ hai, cụ thể hóa nội dung và bản chất của yêu cầu cơ bản và đạo đức qua thái độ, hành vi hàng ngày. Điều này bao gồm những tiêu chí cần thiết nhất của con người Việt Nam đứng trước mọi nhiệm vụ lịch sử của dân tộc: Đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị. Trong xã hội ngày nay, những tiêu chí đó càng đặc biệt quan trọng:
Cần: Tức là nói tới ý thức và hành vi quan trọng nhất trong xã hội ngày nay đó là lao động. Nhưng lao động ở thời đại ngày nay là lao động không ngừng phát triển trên cơ sở tiếp thu những kiến thức ngày một cao của nhân loại và tạo ra một trình độ lao động phù hợp với thời đại trí tuệ ngày nay.
Kiệm: Có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong khi đất nước ta còn rất nhiều những việc làm lãng phí, tổn hại đến tài sản chung của quốc gia.
Liêm: Vì sao Hồ Chí Minh nêu lên tiêu chí liêm của con người ngay trong thời kỳ mà đất nước còn vô cùng thiếu thốn? Vì sao khi Người tiếp thu bốn tiêu chí cơ bản trong đạo đức nho giáo nhân, nghĩa, trí, dũng, Người đã cải biến và nâng cao những tiêu chí đó bằng một nội dung mới và thêm vào đó một tiêu chí quan trọng nữa là liêm.
Chính: Hồ Chí Minh đòi hỏi sự đúng mực của con người không chỉ trong hành động mà ngay cả trong suy nghĩ. Một con người thực sự có đạo đức thì phải có được sự đúng mực ngay cả trong những lúc suy tư thầm kín của mình. Người nêu lên khái niệm tư vô tà trong Đường Kách mệnh đòi hỏi cán bộ ngay trong suy nghĩ thầm kín của mình cũng không được có một sự tính toán bất chính. Phải không để cho một tính chất tà ngụy nào làm vấn đục suy nghĩ trong sáng của con người cách mạng.
Bác Hồ và nông dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tháng 9/1954
Chí công vô tư: Nghĩa là luôn luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân và gia đình. Điều đó chỉ có thể đạt được ở những con người thực sự có tâm hồn trong sáng, lấy lợi ích của tổ quốc và nhân dân làm lẽ sống và hạnh phúc của mình.
Khái niệm khiêm tốn giản dị mà Hồ Chí Minh nêu lên cũng không thể bỏ qua. Chạy theo tiền tài và danh lợi, lầm tưởng rằng có chút địa vị trong xã hội, ăn sang, mặc đẹp, nhà cửa rộng rãi đã là hay ho nhất, thì liệu khi vi phạm đạo đức rồi có nhận ra?
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tiến hành trong hoàn cảnh đất nước đang đi vào thời kỳ đầy triển vọng nhưng cũng đầy gian nan thách thức. Chúng ta đang cần có một cuộc chuyển biến lớn trên lĩnh vực đạo đức. Cần ngăn chặn ngay những hiện tượng hư hỏng và xấu xa về đạo đức đang diễn ra ở nơi này, nơi khác. Đứng trước truyền thống đạo đức mà quá khứ để lại, cần gạt đi những cái lối thời, không phù hợp với diễn biến lịch sử. Mặt khác, trước tình hình mới, cần xác định được cụ thể những tiêu chuẩn cơ bản mà xã hội đang đòi hỏi về mặt đạo đức của cả xã hội, của cả gia đình và mỗi cá nhân.
Xây dựng đạo đức mới trong thời đại ngày nay bắt đầu từ học tập và làm theo gương Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, bởi từ cuộc đời, từ lời nói và việc làm của Người, chúng ta có thể hiểu thêm được quy luật phát triển của đạo đức, quy luật mang tính phổ biến ở mọi thời đại lịch sử. Chúng ta không chỉ hiểu đạo đức Hồ Chí Minh như thế nào, mà quan trọng hơn là hiểu được những điều kiện cần thiết nào đã dẫn tới sự hình thành nên tư tưởng đạo đức đó! nĐạo đức Hồ Chí Minh là tài sản quý giá nhất mà lịch sử đã để lại cho nhân dân ta, là sức mạnh tinh thần bất diệt, đã từng giúp dân tộc ta vượt mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu
Nguồn : baocongthuong.com.vn