Hội thảo kỹ thuật khoan neo Việt Nhật
( 13/11/2017 - 0:47 )Ngày 8/7/2014, tại Khách sạn Heritage Hạ Long, Tập đoàn TKV phối hợp với JOGMEC và Công ty CP than Kushiro (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo kỹ thuật khoan neo. TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam, gồm đại diện các ban của Tập đoàn TKV, Ban Đầu tư, KCM, AT, đại diện Lãnh đạo các đơn vị khai thác than, khoáng sản hầm lò, các đơn vị tư vấn, thiết kế, cùng các cán bộ kỹ thuật có liên quan. Về phía Nhật Bản, ông Ogawa Sumihiro -Trưởng đoàn chuyên gia Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nomura Yasushi – Phó Trưởng đoàn, cùng các ông Matsumoto Hiroyuki – Chuyên gia nghiên cứu khoan neo, ông Mizuno Hiroshi – chuyên gia phụ trách thi công neo.
Tại Hội thảo đã có 8 báo cáo tham luận, trong đó các bản tham luận của các đơn vị trong TKV phản ánh thực trạng áp dụng chống lò bằng vì neo của các mỏ hầm lò, những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai áp dụng. Các báo cáo tham luận của các chuyên gia Nhật Bản trao đổi những kinh nghiệm trong việc triển khai áp dụng, kỹ thuật, dây chuyền công nghệ, thiết bị chống lò bằng vì neo như: tham luận “Quy trình thi công neo trong các mỏ than hầm lò” của Viện Khoa học Công nghệ mỏ; “Kỹ thuật thi công neo cho các mỏ” của Công ty Tư vấn Đầu tư mỏ và công nghiệp; “Báo cáo công tác thi công neo ở các đường lò đá” của Công ty CP than Vàng Danh; bản tham luận của các chuyên gia Nhật Bản về “Tư vấn kỹ thuật khoan neo cho các mỏ than Việt Nam”; “Thiết bị khoan neo”; “Phương pháp đo dịch động bằng các cột chỉ thị màu” và “Quá trình thi công neo cáp”…
Qua các bản tham luận cho thấy, thực tế, việc áp dụng chống lò bằng vì neo tại các mỏ hầm lò đã được triển khai thực hiện trên 10 năm. Trong những năm qua, TKV đã áp dụng cơ chế nhằm khuyến khích chống lò bằng vì neo, tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 10 mỏ áp dụng, với khối lượng đường lò chống neo vẫn rất hạn chế. Những năm gần đây đã có cố gắng, nhưng mỗi năm cũng chỉ có trên 3 ngàn mét lò chống neo, chiếm tỷ lệ khoảng 1% khối lượng đào lò hàng năm (mỗi năm khối lượng đào lò trong TKV khoảng trên 300 ngàn mét). Về những khó khăn, vướng mắc, các bản tham luận đều đề cập đến dây chuyền thiết bị không đồng bộ, tính năng kỹ thuật còn hạn chế; khó khăn trong việc hoạch định các khu vực chống neo, cơ chế khuyến khích của TKV… Các báo cáo tham luận của các chuyên gia Nhật Bản, thông qua trả lời các câu hỏi: “Có thể thi công neo được không”?; “Có cần thiết phải đo dịch động hay không”?; “Chống neo ở đường lò dọc vỉa than”?; … đã giải quyết các vấn đề về điều kiện thi công neo, về đồng bộ thiết bị, như máy khoan neo, máy ném khí di động, dụng cụ chỉ thị màu… tính toán lượng keo dẻo cần thiết, quy trình lắp đặt thiết bị đo dịch động, trình tự thi công neo cáp, …
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đã chỉ rõ, cơ chế của TKV khuyến khích chống lò bằng vì neo áp dụng trước đây, đến nay đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, thời gian tới việc khuyến khích sẽ áp dụng thông qua đơn giá chống lò bằng vì neo. Thực tế, việc lập dự án chống neo sẽ vướng, trùng lặp với chi phí tư vấn đầu tư xây dựng mỏ, do đó, thông qua đơn giá chống neo, các đơn vị sẽ sử dụng trong việc chuẩn bị, điều tra cơ bản để chống neo.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ đạo: các đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng chống lò bằng vì neo, ở mức cao nhất trong các điều kiện cho phép; xem xét đầu tư đồng bộ thiết bị thi công neo, trong đó các đơn vị tư vấn cần phối hợp với các mỏ để lựa chọn thiết bị phù hợp; các mỏ cần phối hợp với các đơn vị tư vấn trong việc nghiên cứu điều kiện áp dụng, thiết kế, quy trình công nghệ chống neo; đảm bảo thi công đúng quy trình; những vướng mắc gặp phải trong thực tế triển khai, các đơn vị cần phản ánh kịp thời cho lãnh đạo TKV, thông qua các ban Đầu tư, KCM, AT./.
Nguồn : (vinacomin.vn)