Không có “thang máy” cho thành công!
( 15/11/2017 - 1:48 )Câu nói vui về sự kiên trì của người Ba Lan có lẽ đúng với anh Trịnh Văn Tuệ – Giám đốc Công ty Luyện đồng Lào Cai. Xuất thân từ gia đình không mấy khá giả với ước mơ cháy bỏng “được đi học”; trưởng thành từ người thợ và đã kinh qua rất nhiều công việc, vị trí công tác khác nhau; phải đối mặt với không ít gian truân kể cả gặp tai nạn lao động khi sự sống và cái chết đã gần kề; nhưng bằng sự kiên trì, bằng những nấc “thang bộ” bền bỉ anh đã vượt lên trên tất cả để khẳng định mình. Anh luôn là vậy, giản dị, cởi mở và rất chân thành. Phóng viên Tạp chí TKV đã có buổi trò chuyện thú vị với vị Giám đốc trẻ nhất khu công nghiệp Tằng Loỏng này không chỉ về công việc mà còn về những điều nho nhỏ xung quanh cuộc sống của anh.
Trưởng thành từ “tai nạn”
P.V: Cơ duyên nào đưa anh đến với Luyện đồng Lào Cai?
Anh Trịnh Văn Tuệ (T.V.T): Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Tây, là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em. Vì nhà nghèo nên tôi không có điều kiện đi học đại học. Với niềm đam mê ngành kỹ thuật ngay từ nhỏ nên tôi đã xin vào làm công nhân ở mỏ thiếc Sơn Dương, Tuyên Quang sau đó lên Xí nghiệp liên doanh đồng Lào Cai và về “ngôi nhà thứ hai” của mình – Công ty Luyện đồng Lào Cai. Có lẽ tôi thực sự có duyên với mảnh đất này!
P.V: Rất nhiều anh chị em Khoáng sản đã kể cho chúng tôi nghe về tai nạn lao động không thể quên của anh ở Nhà máy?
Anh T.V.T: Đó đúng là một ngày định mệnh trong cuộc đời tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in vào tháng 12 năm 1995 khi đó tôi đang là Tổ trưởng Tổ sửa chữa Xí nghiệp liên doanh đồng Lào Cai (Tổ hợp Đồng Sin Quyền ngày nay), trong một ca khắc phục sự cố cùng anh em trong Nhà máy, tôi không may bị tai nạn lao đông nặng, mất đi 1/3 bàn chân, mất rất nhiều máu, tưởng chừng không sống được. Anh Chỉnh – Giám đốc Xí nghiệp lúc đó đã ngay lập tức huy động tất cả anh em túc trực 24/24 ở bệnh viện để sẵn sàng tiếp máu cho tôi. Nhờ nghĩa tình đồng đội đáng quý đó mà tôi đã qua cơn nguy kịch. Sau đó tôi phải nghỉ 4 tháng để điều trị. Luôn ý thức được giờ đây mình không còn “lành lặn” như mọi người nên càng cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa. Tôi không may mắn khi bị tai nạn nhưng ở một khía cạnh nào đó tôi thấy mình trưởng thành hơn, có nhiều quyết tâm và nghị lực hơn.
Sáng kiến là của tập thể, không phải riêng tôi
P.V: Được biết trước khi là Giám đốc Công ty anh từng là một người thợ, một cán bộ kỹ thuật với rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại giá trị làm lợi rất cao cho tổ hợp Đồng Sin Quyền. Sáng kiến khuôn đúc là một ví dụ điển hình?
Anh T.V.T: Tôi phải khẳng định nhé, tất cả những sáng kiến đó đều là của tập thể, của anh em trong tổ chứ không phải riêng tôi đâu. Nhưng quả thực những sáng kiến đó cũng là niềm tự hào của chúng tôi bởi đã kịp thời giúp đơn vị khai thông được ách tắc trong sản xuất, góp một phần nhỏ bé giúp Công ty hoạt động ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn như với sáng kiến cải tạo hệ thống khởi động của máy nghiền bi 3.600 × 6.100 đã giúp nhà máy tránh được sự cố phải ngừng toàn bộ dây chuyền. Hay như sáng kiến khuôn đúc cũng là sáng kiến đáng nhớ của chúng tôi. Đáng nhớ bởi rất nhiều lý do, đây không phải là sáng kiến có ý nghĩa “tháo nút” kịp thời trong sản xuất mà về lâu dài sẽ làm lợi cho Công ty nhiều tỷ đồng; đồng thời đây cũng là sáng kiến mà anh em phải bỏ nhiều mồ hôi công sức nhất, có những lúc tưởng chừng như thất bại, có lúc áp dụng thử nghiệm đã phải trả giá… nhưng với sự quyết tâm của các thành viên trong tổ, sự tin tưởng, ủng hộ của cấp trên nên cuối cùng đã thành công.
P.V: Anh đã bao giờ chịu bó tay?
Anh T.V.T: (Cười) cũng có chứ nhưng khi đó không hối hận vì chắc chắn tôi và anh em đã cố gắng hết sức, làm hết khả năng.
Trao cơ hội cho người trẻ
P.V: Là một Giám đốc trẻ lại lãnh đạo một nhà máy Luyện đồng lớn nhất, hiện đại nhất của Việt Nam, anh có gặp khó khăn gì không?
Anh T.V.T: Khó khăn và thách thức nhiều chứ! mình là người “đứng mũi chịu sào” nên lúc nào cũng phải canh cánh làm sao để học hỏi, chắt chiu thêm nhiều kinh nghiệm; rồi để nhà máy hoạt động được ổn định, có hiệu quả, đời sống của cán bộ công nhân viên không ngừng được cải thiện và nhất là họ phải toàn tâm toàn ý với Nhà máy… Nói thì dễ chứ bắt tay vào làm thì không đơn giản chút nào. Mặc dù vậy, theo tôi dù khó đến mấy nhưng khi một người lãnh đạo doanh nghiệp có được “sự tin tưởng của cấp trên – sự đồng thuận của cấp dưới” thì chắc chắn sẽ vượt qua. Để có được vị trí như hiện nay tôi luôn thấy mình là người may mắn.
Lấy “người thực, việc thực” từ chính bản thân mình nên tôi luôn quan niệm phải mạnh dạn trao cơ hội cho lực lượng trẻ. Đó cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để chuẩn bị đội ngũ cho phát triển bền vững. Minh chứng là ở Luyện đồng Lào Cai hiện nay bất cứ ai có năng lực, tâm huyết gắn bó lâu dài với Công ty đều được lãnh đạo tạo mọi cơ chế thuận lợi từ điều kiện làm việc, thu nhập đến môi trường sống để anh em yên tâm công tác. Bởi vậy, không chỉ có các kỹ sư mà đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề ở nhiều đơn vị cũng đã tìm đến Công ty. Không chỉ vậy, Công ty còn mạnh dạn trao cơ hội, sắp xếp nhiều người trẻ vào những vị trí quan trọng để họ phát huy hết năng lực.
P.V: Anh đã bao giờ gặp phải những công nhân”cứng đầu”?
Anh T.V.T: Tất nhiên điều đó là có bởi trong quá trình làm việc làm sao tránh khỏi những người còn chưa hiểu đúng về mình. Tuy vậy, tôi hoàn toàn tự tin khi giải “bài toán” này. Tôi đã từng có rất nhiều năm làm thợ sản xuất trực tiếp nên tôi nghĩ mình hiểu được những tâm tư nguyện vọng cũng như những khúc mắc của anh em, từ đó để có cách thuyết phục cho “thấu tình đạt lý”. Tôi đến với họ bằng sự chân thành, gần gũi nên tôi tin anh em cũng sẽ chia sẻ được với tôi.
P.V: Theo đánh giá của anh, từ những ngày đầu sơ khai của Nhà máy đến nay, Luyện Đồng Lào Cai đã có sự đổi thay như thế nào?
Anh T.V.T: Thay đổi nhiều đến nỗi không thể diễn đạt hết được. Tôi chỉ biết khẳng định rằng, Luyện đồng Lào Cai giờ đây đã sang một “trang mới”, đóng góp đắc lực vào kết quả SXKD chung của Tổng Công ty Khoáng sản và cũng là minh chứng rõ nét nhất cho chiến lược chế biến sâu đúng đắn của Khoáng sản nói riêng và Vinacomin nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng khó khăn như hiện nay.
Sống đúng là mình
P.V: Phóng viên hỏi điều này hơi tế nhị một chút, có rất nhiều người quý anh bởi sự chân thành, cởi mở và dễ gần nhưng cũng có người nói anh là Giám đốc mà sao ăn mặc, nói năng “quê” thế. Anh nghĩ sao?
Anh T.V.T: (Cười), mỗi người một suy nghĩ, một quan điểm sống mà. Còn mình thì dù ở vị trí nào, làm công việc gì mình cũng sẽ luôn sống đúng là mình thôi.
P.V: Từ đầu đến giờ đã nói quá nhiều đến công việc, vậy anh có thể chia sẻ một chút về hậu phương của anh và bận rộn như vậy anh có thời gian quan tâm đến các con không?
Anh T.V.T: Không biết nói gì mà chỉ biết thu gọn trong hai từ “cám ơn” đối với vợ của mình – người đã luôn đồng hành, “giữ lửa” cho tổ ấm, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, trưởng thành. Còn tôi luôn thấy mình có lỗi bởi thực sự không có nhiều thời gian gần gũi, chỉ bảo các con, may là các cháu không hư đấy!
P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nguồn : Vinacomin