Lên Sin Quyền tìm nhân vật
( 17/11/2017 - 9:47 )Tôi được dự lớp tập huấn sáng tác VHNT do Tập đoàn tổ chức, sau đó cùng đoàn văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế ở Công ty Mỏ – Tuyển đồng Lào Cai (Tổng Công ty Khoáng sản). Đồng nghiệp tôi đã có nhiều bài viết phản ánh về tình hình sản xuất, chăm lo đời sông công nhân của Công ty đăng trên Tạp chí TKV nên tôi chỉ xin nêu một vài cảm nhận sau chuyến đi.
Tôi được dự lớp tập huấn sáng tác VHNT do Tập đoàn tổ chức, sau đó cùng đoàn văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế ở Công ty Mỏ – Tuyển đồng Lào Cai (Tổng Công ty Khoáng sản). Đồng nghiệp tôi đã có nhiều bài viết phản ánh về tình hình sản xuất, chăm lo đời sông công nhân của Công ty đăng trên Tạp chí TKV nên tôi chỉ xin nêu một vài cảm nhận sau chuyến đi.
Nàng Pô Sen
Đoàn văn nghệ sĩ có một người khá nổi tiếng trong Tập đoàn, đó là anh Xuân Chung. Anh nổi tiếng bởi tiết mục độc tấu sáo mèo tại các cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng của Tổng Công ty Khoáng sản, của Tập đoàn. Tạp chí TKV đã giới thiệu về anh đã từng được đào tạo cơ bản về thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội rồi Đại học Sư phạm nhưng từ bỏ những nơi đô thị, xin về Mỏ tuyển đồng Sin Quyền. Bây giờ, trên chuyến đi này, tôi phát hiện ra, không những anh có tài thổi sáo mà còn sáng tác, hát hay. Trên xe, anh thủ sẵn album những sáng tác của anh, bật cho chúng tôi nghe. Chất liệu dân ca miền núi và ca từ trong sáng tác của anh toàn nói về đồng Sin Quyền, nơi anh đang làm việc. Tranh thủ “diễn đàn” này anh còn giới thiệu về đồng Sin Quyền. Thoạt tiên, anh kể sự tích nàng Pô Sen. Rằng, ngày xưa có nàng Pô Sen xinh đẹp yêu chàng hoàng tử nhà trời. Vua cha ngăn cản cuộc hôn nhân nên nàng quyên sinh. Chàng hoàng tử nhớ thương hóa phép biến thân nàng Pô Sen thành dãy núi Pô Sen mềm mại. Sín Quyền là mái tóc vàng cuộn lại. Núi Pô Sen kéo dài từ Bản Vược đến xã Nậm Chạc và mỏ đồng Sin Quyền ngày nay.
Anh Nguyễn Đình Thái, nguyên là thợ lò Công ty than Hà Lầm – giải Nhất cuộc thi thơ “20 năm hành trình cùng TKV” cảm tác về nàng Pô Sen thế này: “… Đá lô nhô ngồi đứng dọc đường? Moong quặng vuông triện trời úp xuống/Pô Sen! Pô Sen! Mái tóc vàng uốn lượn/ Vết lược găm đánh dấu quặng đồng/Băng tải dài vươn cánh sải bên sông/ Nhà máy trắng trinh nguyên màu áo trắng/Dàn máy xúc sậm màu đồng trong nắng/ Xe quặng lên toe toét tiếng còi…”.
Vẫn theo sự giới thiệu của anh Xuân Chung, Mỏ đồng Sin Quyền nằm sát biên giới Việt – Trung, thuộc huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Mỏ được phát hiện lần đầu tiên năm 1961, năm 1969 tiến hành công tác thăm dò, đến năm 1974 thì hoàn thành công tác đánh giá trữ lượng, hàm lượng đồng (Cu) và các kim loại cộng sinh khác có trong quặng. Theo tài liệu báo cáo địa chất, mỏ đồng Sin Quyền có trữ lượng nửa triệu tấn đồng kim loại và các khoáng sản cộng sinh đi kèm như vàng, bạc, lưu huỳnh, sắt… Công nghệ tuyển khoáng được áp dụng phương pháp đập – nghiền bi dòng tràn, phối hợp tuyển từ và tuyển nổi để làm giàu quặng…
Khu mỏ tuyển do Công ty quản lý nằm trên 2 xã Bản Vược và Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, đã đi vào sản xuất chính thức từ ngày 14/4/2006, sau 3 năm khởi công tổ hợp, mỏ đã tạo việc làm cho hơn 500 công nhân địa phương. Khu mỏ có trữ lượng 551.000 tấn đồng kim loại, khai thác lộ thiên khoảng 20 năm và 50 năm khai thác hầm lò, cung cấp tinh quặng cho nhà máy luyện đồng tại Tằng Loỏng. Hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến được đầu tư đồng bộ. Các chỉ tiêu về khai thác, tuyển khoáng có thể sánh với các nước sản xuất đồng tiên tiến trên thế giới. Trước đây, với công nghệ cũ, chỉ tuyển được quặng có hàm lượng đồng từ 1% trở lên, với tỷ lệ thu hồi đạt trên 80%. Đến nay, nhờ công nghệ mới, có thể tuyển được quặng có hàm lượng đồng từ 0,8% trở lên, với tỷ lệ thu hồi đạt 92-97%.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty đã đưa năng suất tuyển vượt 120% công suất thiết kế, với 1,2 triệu tấn tinh quặng đồng/năm. Những năm gần đây, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng hằng năm Công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định, đạt sản lượng 40.000 tấn tinh quặng đồng 25%, 50.000 tấn quặng sắt 60%…
Cho hay rằng, một người yêu Công ty lắm; tự hào về Công ty lắm mới tình nguyện gắn bó với Công ty; mới sáng tác được những ca khúc về Công ty đắm say như vậy và mới có được những thông tin về Công ty để nói “vo” với chúng tôi như vậy.
Đi tìm nhân vật
Trước những cỗ máy khổng lồ của nhà máy tuyển quặng đang chạy rào rào, các văn nghệ sĩ trầm trồ rồi giương ống kính máy ảnh. Để bức ảnh sinh động, chúng tôi đi tìm nhân vật nhưng cảm tưởng như nhà máy không có người điều khiển. Chợt, khuất sau cỗ máy có một công nhân đang vận hành băng chuyền, các văn nghệ sĩ kéo đến. Đó là một cô gái nom khỏe mạnh, tươi tắn đang dùng xẻng xúc những mẩu quặng vương ra ngoài. Hàng chục ống kính máy ảnh chĩa vào cô khiến cô ngượng, che mặt. Đến vị trí sản xuất khác, chúng tôi phát hiện một cô gái đang bấm nốt điều khiển. Câu thơ của nhà thơ Nông Quốc Chấn “Cô gái người Tày ngồi vặn máy” chợt ngân lên trong tôi xao xuyến. Đây là nhân vật của chúng tôi rồi! Nhưng sao ít công nhân quá, lại toàn nữ?. Tìm đâu quang cảnh sản xuất nhộn nhịp để đưa vào ống kính? Ông Đinh Tiến, Phó Giám đốc Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, cho biết, trong số gần 700 cán bộ, công nhân, viên chức ở đây, phần lớn là người địa phương. Họ được đào tạo cơ bản về nghề, được bố trí nhà ở tập thể với đầy đủ tiện nghi, có nhà ăn tập thể, nhà văn hóa, sân bóng chuyền… để vui chơi, giải trí. Đội bóng chuyền, đội văn nghệ của Công ty thường xuyên đoạt giải cao của Tập đoàn TKV.
Vậy là, lên Sin Quyền, chúng tôi chưa tìm nhân nhân vật nổi bật cho sáng tác của mình. Chỉ thấy cuộc sống sôi động và những người bình dị đã yêu thương gắn bó với mảnh đất biên cương Tổ quốc.
Tác giả bài viết: Minh Hoa
Nguồn : Vinacomin.vn