Tầm cao thợ mỏ và chiều sâu nguồn than – Phần I: Sự ra đời của ngành than
( 23/11/2017 - 0:03 )Khai thác than là ngành công nghiệp ra đời sớm nhất Việt Nam với đội ngũ công nhân hùng mạnh, kiên cường. Càng khai thác xuống sâu, đòi hỏi công nghệ càng phải hiện đại và tri thức thợ mỏ càng phải được nâng lên tầm cao mới. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ – truyền thống ngành Than, cũng là kỷ niệm 22 năm thành lập Tập đoàn Vinacomin, Báo Công Thương trân trọng gửi đến bạn đọc bút ký nhiều kỳ của nhà văn – nhà báo Võ Khắc Nghiêm – người đã gắn bó với thợ mỏ hơn nửa thế kỷ. Ban biên tập và tác giả mong nhận được ý kiến của đông đảo bạn đọc; đặc biệt là cán bộ, công nhân ngành Than.
Năm 1961, tôi may mắn được Nhà xuất bản Thanh Niên và Khu đoàn Đặc khu Hồng Quảng tin cậy giao cho viết tập hồi ký “Đất Mỏ Anh hùng” nhân kỷ niệm 25 năm cuộc Tổng đình công của hơn ba vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936. Tôi vui mừng vì có điều kiện tiếp xúc nhiều tư liệu, gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng để không chỉ hoàn thành tập hồi ký mà còn tích lũy vốn sống cho quá trình làm báo, viết văn lâu dài ở vùng than.
Nhà văn – nhà báo Võ khắc Nghiêm
Năm 1883, người Pháp đánh chiếm vùng than Hòn Gay-Cẩm Phả và ép Triều đình nhà Nguyễn bán vùng than cho họ với giá 400 đồng tiền vàng Mễ Tây Cơ vào năm 1884. Ngày 4/4/1888, Công ty Than Bắc Kỳ (SFCT) của tư bản Pháp được thành lập, mở đầu cho việc khai thác than quy mô công nghiệp lớn. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, đây chính là thời điểm ra đời của ngành Than Việt. Mãi đến năm 2006, nhân kỷ niệm 70 năm ngày hội truyền thống 12/11, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) mới kỳ công tìm hiểu đầy đủ khởi nguồn của hòn than Việt Nam khi tìm được sớ tâu của Tổng đốc Tôn Thất Bật và chỉ dụ của vua Minh Mạng tận Cố đô Huế về việc cho khai thác loại “đá cháy”. Sau này tôi được biết rõ hơn ông tổ của thợ mỏ ngành Than có gốc gác tận Đông Triều, gần Yên Tử linh thiêng – nơi vẫn còn thờ Miếu Mỏ và đền thờ Bà Chúa Kẽm (lấy kẽm đúc tiền). Từ đầu thập niên 1820, dân xã Yên Lãng – Đông Triều, thuộc tỉnh Hải Yên đã đào được loại “đá cháy” dùng đốt thay củi, từng đào mười vạn cân nộp về kinh đô. Vua Minh Mạng không muốn bắt dân lao khổ, nhưng Tổng đốc Hải Yên năn nỉ vì mất mùa, dân khó khăn, xin tình nguyện đào than thuê lấy tiền nuôi thân, vua mới chịu ra chỉ dụ cho khai thác và nhắc nhở: “Các người phải thận trọng, chớ sơ suất để an úy lòng trẫm muốn ra ân cho dân”. Đó là ngày 6/12 năm Minh Mạng thứ 20-Kỷ Hợi (1839)- tức ngày 10/1/1840 dương lịch. Tập đoàn TKV đã tìm được chính xác nơi khai thác than đầu tiên và lấy ngày Vua Minh Mạng ra chỉ dụ là ngày ra đời của ngành Than Việt Nam là một việc làm có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Hiện tại, Khu di tích bảo tồn Yên Lãng rộng trên 50 ha với 44 hạng mục công trình đang được TKV hoàn thiện.
Tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò của người Pháp đối với sự phát triển của ngành Than Việt Nam trong hơn 70 năm. Cho dù mục đích của tư bản Pháp là vơ vét tài nguyên, bóc lột tàn bạo, thì việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề giỏi và tạo dựng một bộ máy cai trị có văn hóa cùng những công trình công cộng tân thời – nhất là kiến trúc, văn học, âm nhạc, nếp sống công nghiệp, kể cả tín ngưỡng thiên chúa giáo… Đây là vùng đất nhượng địa duy nhất mang tính bán đứt toàn bộ tài nguyên ở Việt Nam, thậm chí còn đặc biệt bởi sự rộng lớn, đa dạng tài nguyên và Hạ Long mênh mông.
Sau khi biến vùng mỏ thành đất riêng, tư bản Pháp đã đổ khá nhiều tiền vào đầu tư khai thác than ngày càng rộng lớn, hiện đại. Đến đầu thế kỷ 20, chủ mỏ Pháp đã đầu tư vào Mạo Khê trên 20 triệu Franc và gần 100 triệu Franc vào Hòn Gay-Cẩm Phả. Thời kỳ Toàn quyền Paul Doumer cho xây cầu Long Biên, mở Cảng Hải Phòng, SFCT được khuyến khích mở cảng chuyên dùng Hòn Gay, Cửa Ông cùng hệ thống sàng tuyển, bốc rót và đường sắt chở than tân tiến. Bên cạnh việc tuyển mộ phu mỏ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Công ty Than Đá Bắc Kỳ hùng hồn tuyên bố sẽ biến vùng than trở thành miền đất văn minh hiện đại với cuộc sống tươi đẹp nhất Việt Nam. Chính phủ Pháp hiểu rõ giá trị của loại than Antrasit nhiệt lượng cao của Việt Nam là loại “bánh mì” đặc biệt cho cuộc cách mạng công nghiệp toàn thế giới đang rầm rộ phát triển luyện kim, phát triển máy hơi nước với sự cạnh tranh của tàu hỏa, tàu thủy và cả xe hơi nên đã chỉ thị cho Bộ Thuộc địa Pháp dành cho SFCT nhiều quyền hạn trong vùng đất nhượng địa, không chịu sự quản lý của Công sứ Quảng Yên, Thống sứ Bắc Kỳ. Bộ máy hành chính, quân sự chỉ hỗ trợ khi chủ mỏ yêu cầu. Hệ thống mật thám Sở Mỏ có quyền lực rất lớn và không phụ thuộc hệ thống chính quyền.
Những năm đầu, việc khai thác than lộ vỉa khá dễ dàng, việc mở lò đào than cũng đơn giản, thường là mở lò bằng, chống đỡ bằng vì gỗ lấy từ rừng quanh mỏ. Các chủ mỏ thực hiện chế độ quản lý, cai trị riêng với hệ thống quản lý gọn nhẹ mà vô cùng hiệu quả thông qua lực lượng chủ thầu, cai ký người Việt. Họ tự tuyển dụng, tự đào tạo phu mỏ, tự bảo đảm đời sống, an ninh… Người Pháp chỉ giám sát, chỉ đạo về phương hướng khai thác, kỹ thuật bóc tách vỉa than, mở mò, chống lò, vận chuyển than. Việc thanh toán lương thông qua các chủ thầu, tính theo khối lượng sản phẩm. Sau khi thăm dò kỹ trữ lượng than và tài nguyên biển Đông Bắc, người Pháp không chỉ mở thêm nhiều khai trường hầm lò mà còn đầu tư cho khai thác cơ khí lộ thiên. Cùng với các nhà máy: Cơ khí Cẩm Phả, Cơ khí Hòn Gay, Nhà sàng Cửa Ông được xây dựng thuộc vào loại hiện đại nhất thập niên những năm 1920 (tồn tại cho tận ngày nay, được cải tạo, nâng cấp vẫn phát huy tác dụng), tư bản Pháp đã chọn những kỹ sư giỏi nhất đưa sang đào tạo cho đội ngũ thợ cơ khí người Việt. Họ cho mở mang đường phố, mở trường tiểu học, rạp hát, rạp chiếu bóng, xây nhà thờ ở Hòn Gay, Cẩm Phả Mỏ, Cẩm Phả Bến (Cửa Ông), Núi Trọc (Đèo Nai), mở tuyến xe lửa chở than và chở thợ vào mỏ Hà Tu, Hà Lầm, xây dựng đường ôtô trên khắp núi mỏ… Chủ mỏ có chế độ ưu đãi cho các nhà buôn vào bán hàng với giá cả do họ duyệt, cho phép các chủ thầu tạm ứng gạo, lương cho phu mỏ, mở trường học dạy tiếng Pháp cho những người thợ giỏi trung thành với chủ và tỏ ra rộng rãi với tầng lớp trung lưu, nhất là lực lượng cai ký, chủ thầu vui lòng làm tay sai đắc lực.
Thời kỳ đầu, dường như chủ mỏ Pháp không phải quá bận tâm quản lý phu mỏ vì đã có đám cai ký chủ thầu dù lương trả cho phu mỏ rất thấp thì vẫn còn hơn làm ruộng rất nhiều và không bị bắt đi lính, đi phu sang Tân Thế Giới, nên nhiều thanh niên nông thôn ra làm phu mỏ với nhiều hoài bão đổi đời. Tuy nhiên, công việc đào lò ngày càng khó khăn, nhọc nhằn, nguy hiểm; phu mỏ càng đông; chủ thầu, cai ký càng trở nên tàn bạo, keo kiệt. Nhiều vụ tai nạn sập lò chết người đã xảy ra ở Cái Đá, Lộ Trí và nhiều lò nhỏ không được chủ mỏ cứu mà có chỗ còn bị vùi lấp bằng bê tông như một ngôi mộ tập thể. Điều kiện lao động nặng nhọc cộng với thời tiết khắc nghiệt, đời sống khó khăn, lán trại bẩn thỉu đã dẫn đến dịch bệnh, không có thuốc men khiến thân phận người phu mỏ dần trở nên bi đát, dù ốm đau vẫn phải cố lê lết đội than. Dẫu vậy, những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở khắp ba miền trong hơn hai mươi năm đầu thế kỷ 20 vẫn chưa ảnh hưởng gì nhiều đến vùng Than dưới sự quản lý riêng của chủ mỏ Pháp.
Nguồn : baocongthuong.com.vn